21. Đăng ký nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Posted on

Để có thể được Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, tổ chức phải thực hiện gửi hồ sơ đề nghị Đăng ký nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật 55/2010/QH12, Luật 16/2012/QH13, Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Thông tư 09/2015/TT-BYT, Nghị định 100/2014/NĐ-CP, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Thông tư 75/2020/TT-BTC.

1. Khái niệm

– Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân. (theo khoản 1 Điều 2 Luật 16/2012/QH13)

– Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm. (theo khoản 20 Điều 2 Luật 55/2010/QH12)

– Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau: (theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP)

+ Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác;

+ Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa;

+ Các nguồn tổng hợp của những thành phần đề cập trên đây.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được trình bày ở dạng chế biến như viên nang, viên hoàn, viên nén, chế phẩm dạng cốm, bột, lỏng và các dạng bào chế khác và được phân liều (để sử dụng) thành các đơn vị liều nhỏ.

(khoản 2 Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP)

2. Đăng ký nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe

2.1. Điều kiện quảng cáo (theo điểm d khoản 4 Điều 20 Luật 16/2012/QH13 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 181/2013/NĐ-CP)

Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe:

– Phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;

– Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo theo quy định tại điểm a khoản này;

– Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.

2.2. Đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm (theo Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP)

Việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định sau:

– Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

– Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

3. Phạt vi phạm hành chính

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định (khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung 2017)

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. (khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2018/NĐ-CP)

Kết luận:

Người thực hiện Đăng ký nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần tuân thủ quy định của pháp luật. Trình tự, thủ tục cụ thể quy định tại Luật 55/2010/QH12, Luật 16/2012/QH13, Nghị định 181/2013/NĐ-CP, Thông tư 09/2015/TT-BYT, Nghị định 100/2014/NĐ-CP, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Thông tư 279/2016/TT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đăng ký nội dung quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe