6. Cấp, cấp lại giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

Posted on

Trong quá trình đánh giá, kết luận những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức giám định sở hữu trí tuệ nhất thiết phải tiến hành thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan (Giấy chứng nhận tổ chức giám định). Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Nghị định 119/2010/NĐ-CP, Nghị định 85/2011/NĐ-CP, Nghị định 131/2013/NĐ-CP, Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL, Thông tư 04/2016/TT-BVHTTDL, Thông tư 35/2018/TT-BVHTTDLQuyết định 4874/QĐ-BVHTTDL như sau:

1. Một số khái niệm

Giám định về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (khoản 26 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009).

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009)

Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa (khoản 2 Điều 1 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009)

Giám định quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi tắt là giám định) là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định (khoản 1 Điều 3 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL).

Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức có đủ các điều kiện quy định tại Điều 42 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 119/2010/NĐ-CP và được cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là Giấy chứng nhận tổ chức giám định) (Điều 9 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL).

Lưu ý: Lĩnh vực giám định về quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 105/2006/NĐ-CP) được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định số 119/2010/NĐ-CP) bao gồm các chuyên ngành (khoản 2 Điều 3 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL):

Giám định quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học quy định tại Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009;

Giám định quyền liên quan đối với các đối tượng quyền liên quan quy định tại Điều 17 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi 2009.

2.Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ

Các tổ chức được hoạt động giám định theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 119/2010/NĐ-CP bao gồm:

Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp;

Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã;

Đơn vị sự nghiệp;

– Các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

Khoản 10 Điều 1 Nghị định 119/2010/NĐ-CP quy định các tổ chức giám định sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ;

– Có trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc;

– Có nguồn cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định.

Lưu ý:

Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện hoạt động giám định trong lĩnh vực đã đăng ký hoạt động.

3. Cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

Để được cấp giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan thì tổ chức giám định cần tiến hành nộp một bộ hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định đến Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả ra quyết định cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định.

Lưu ý:

Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định, Cục Bản quyền tác giả thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

Mẫu Giấy chứng nhận tổ chức giám định quy định tại Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Hiệu lực của Giấy chứng nhận tổ chức giám định: Giấy chứng nhận tổ chức giám định có hiệu lực kể từ ngày cấp (khoản 3 Điều 11 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL).

4. Cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan.

Chỉ cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định trong trường hợp Giấy chứng nhận tổ chức giám định bị mất, hư hỏng hoặc có sự thay đổi về thông tin đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận tổ chức giám định (điểm a khoản 4 Điều 11 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL).

Lưu ý:

Việc cấp, cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan sẽ được Cục Bản quyền tác giả lập danh sách tổ chức giám định theo Quyết định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan và công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Bản quyền tác giả (khoản 6 Điều 11 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL).

5. Thu hồi giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

Giấy chứng nhận tổ chức giám định có thể bị thu hồi đối với một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 15/2012/TT-BVHTTDL bao gồm các trường hợp sau đây:

– Tổ chức giám định không còn đáp ứng các quy định tại Điều 9 của Thông tư này;

– Tổ chức giám định có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giám định bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định theo quy định của pháp luật;

– Có chứng cứ khẳng định Giấy chứng nhận tổ chức giám định được cấp trái với quy định của pháp luật;

– Tổ chức giám định chấm dứt hoạt động giám định.

6. Xử lý vi phạm

Trong quá trình hoạt động, tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 6 Nghị định 131/2013/NĐ-CP như sau:

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện giám định về quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp phải từ chối giám định theo quy định.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kết luận giám định sai sự thật để trục lợi.

– Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Thẻ giám định viên, Giấy chứng nhận tổ chức giám định về quyền tác giả, quyền liên quan từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Kết luận: Khi thực hiện thủ tục cấp, cấp lại giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan cần tiến hành theo đúng quy định Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019), Nghị định 105/2006/NĐ-CP, Nghị định 119/2010/NĐ-CP, Nghị định 131/2013/NĐ-CP, Thông tư số 15/2012/TT-BVHTTDL, Thông tư 04/2016/TT-BVHTTDL, Thông tư 35/2018/TT-BVHTTDLQuyết định 4874/QĐ-BVHTTDL.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

Cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan