20. Đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật

Posted on

Nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người khuyết tật khi sử dụng giấy xác nhận, thì khi có sự cố phát sinh về thay đổi mức độ khuyết tật; sai lệch thông tin hay hư hỏng, mất giấy xác nhận khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật phải tiến hành đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật người khuyết tật 2010, Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH như sau:

1. Giấy xác nhận khuyết tật

Căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật người khuyết tật 2010, giấy xác nhận khuyết tật phải bảo đảm đầy đủ các nội dung cơ bản sau:

– Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính của người khuyết tật;

– Địa chỉ nơi cư trú của người khuyết tật;

– Dạng khuyết tật;

– Mức độ khuyết tật.

Lưu ý:

– Giấy xác nhận khuyết tật hình chữ nhật, khổ 66 mm x 98 mm, nền màu xanh nhạt, sử dụng kiểu chữ Times New Roman (theo bộ mã tiêu chuẩn tiếng Việt TCVN-6909/2001) (khoản 2 Điều 7 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH )

– Đối với trường hợp đã được cấp Giấy xác nhận khuyết tật nhưng cơ quan có thẩm quyền kết luận không đúng dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật thì phải thu hồi Giấy xác nhận khuyết tật. (khoản 3 Điều 8 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH)

2. Các trường hợp cấp đổi Giấy xác nhận khuyết tật

Theo khoản 1 Điều 8 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH , những trường hợp sau đây phải làm thủ tục cấp đổi Giấy xác nhận khuyết tật:

– Giấy xác nhận khuyết tật sai thông tin so với Chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý khác;

– Giấy xác nhận khuyết tật hư hỏng không sử dụng được.

3. Các trường hợp cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật

Theo khoản 2 Điều 8 Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH , những trường hợp sau đây phải làm thủ tục cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật:

– Thay đổi dạng khuyết tật hoặc mức độ khuyết tật;

– Mất Giấy xác nhận khuyết tật;

– Người khuyết tật từ đủ 6 tuổi trở lên trừ trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng quy định tại điểm 1.1, 1,2, 1.5, 1.6, 1.7 Mục IV Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH.

4. Một số lưu ý

– Khi có nhu cầu đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật thì người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật làm đơn gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.

Ủy ban nhân dân cấp xã cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật đồng thời thu hồi lại Giấy xác nhận khuyết tật cũ.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ hồ sơ đang lưu giữ quyết định cấp đổi hoặc cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật.

Đối với trường hợp thay đổi dạng khuyết tật hoặc mức độ khuyết tật và người khuyết tật từ đủ 6 tuổi trở lên trừ trường hợp người khuyết tật đặc biệt nặng thì phải tiến hành xác định, xác định lại mức độ khuyết tật

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết luận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc cấp Giấy xác nhận khuyết tật không đúng về dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thu hồi Giấy xác nhận khuyết tật theo quy định của pháp luật.

5. Xử phạt vi phạm hành chính

Đối với hành vi gian dối trong việc xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận mức độ khuyết tật có thể sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. (Điểm c khoản 2 Điều 17 Nghị định 144/2013/NĐ-CP).

Kết luận:

Việc đổi, cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật là một thủ tục quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người khuyết tật. Khi đó, người đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật phải tuân thủ quy định tại Luật người khuyết tật 2010, Nghị định 28/2012/NĐ-CP, Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây

Đổi, cấp lại Giấy chứng nhận khuyết tật