17. Chế độ đối với học viên cơ yếu
Đối với từng đối tượng học viên cơ yếu khác nhau thì có chế độ phụ cấp khác nhau phù hợp với nguyên tắc đảm bảo tiêu chuẩn hậu cần đối với học viên cơ yếu. Vậy chế độ tiền lương và phụ cấp được quy định như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung Chế độ đối với học viên cơ yếu thông qua quy định của Thông tư 07/2017/TT-BNV
1. Khái niệm
– Người làm việc trong tổ chức cơ yếu thuộc biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, gồm:
+ Người làm công tác cơ yếu là quân nhân, công an nhân dân;
+ Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân;
+ Người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
+ Học viên cơ yếu.
– Đối tượng không áp dụng
+ Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong tổ chức cơ yếu không xếp lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định;
+ Người đã có quyết định thôi việc, phục viên, xuất ngũ, nghỉ hưu.(Điều 2 Thông tư 07/2017/TT-BNV)
2. Chế độ đối với học viên cơ yếu
2.1 Đối với học viên cơ yếu là quân nhân, công an nhân dân
Theo quy định Khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2017/TT-BNV quy định chế độ đối với học viên cơ yếu là quân nhân, công an nhân dân như sau
-Học viên cơ yếu là quân nhân, công an nhân dân đang hưởng chế độ phụ cấp quân hàm và được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã mức 0,10 so với mức lương cơ sở.
– Sau khi tốt nghiệp tại Học viện Kỹ thuật mật mã được xét phong hoặc thăng quân hàm theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
2.2 Đối với học viên cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân
Khoản 2 Điều 12 Thông tư 07/2017/TT-BNV quy định đối với học viên cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân như sau:
– Đối với học viên cơ yếu hưởng chế độ phụ cấp sinh hoạt phí: Được hưởng mức phụ cấp sinh hoạt phí bằng mức phụ cấp của cấp bậc quân hàm Binh nhì (hệ số 0,40 so với mức lương cơ sở). Căn cứ kết quả học tập trong năm học được đánh giá đạt yêu cầu trở lên, không vi phạm kỷ luật thì Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ xem xét, quyết định mức phụ cấp sinh hoạt phí như sau:
+ Năm thứ nhất, Hệ số phụ cấp sinh hoạt phí: 0,40
+ Năm thứ hai, Hệ số phụ cấp sinh hoạt phí: 0,45
+ Năm thứ ba, Hệ số phụ cấp sinh hoạt phí: 0,50
+ Năm thứ bốn, Hệ số phụ cấp sinh hoạt phí: 0,60
+ Năm thứ năm, Hệ số phụ cấp sinh hoạt phí: 0,70
Lưu ý:
Trường hợp lưu ban thì hưởng phụ cấp sinh hoạt phí theo mức của năm học bị lưu ban.
Được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã mức 0,10 so với mức lương cơ sở kể từ ngày có quyết định vào học tại trường.
– Học viên cơ yếu tốt nghiệp ra trường, tùy theo trình độ đào tạo được bổ nhiệm vào chức danh nào trong tổ chức cơ yếu thì xếp lương theo quy định đối với chức danh đó, cụ thể như sau:
+ Đối với người tốt nghiệp trình độ đào tạo cao đẳng hoặc đại học, được xếp lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu cao cấp bậc 1 của nhóm chức danh được bổ nhiệm. Trường hợp tốt nghiệp thạc sỹ được xếp bậc 2; tốt nghiệp tiến sỹ được xếp bậc 3 của nhóm chức danh được bổ nhiệm.
+ Đối với người tốt nghiệp trình độ đào tạo trung cấp, được xếp lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu trung cấp bậc 1 của nhóm chức danh được bổ nhiệm.
+ Đối với người tốt nghiệp trình độ đào tạo sơ cấp, được xếp lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu sơ cấp bậc 1 của nhóm chức danh được bổ nhiệm.
+ Học viên cơ yếu tốt nghiệp loại giỏi được xếp lên bậc 2 của nhóm chức danh được bổ nhiệm.
– Việc xếp lương lần đầu đối với học viên cơ yếu khi tốt nghiệp ra trường và nâng bậc lương thường xuyên đối với người làm công tác cơ yếu học tập tại Học viện kỹ thuật mật mã do Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ quyết định.
– Học viên cơ yếu tốt nghiệp ra trường mà chưa được bố trí, phân công công tác thì chưa được xếp lương. Những tháng chờ phân công công tác được tiếp tục hưởng sinh hoạt phí. Thời gian tiếp tục hưởng sinh hoạt phí tối đa là 12 tháng. Thời gian là học viên cơ yếu hưởng phụ cấp sinh hoạt phí (kể cả thời gian chờ phân công công tác có hưởng phụ cấp sinh hoạt phí) được tính để đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và tính hưởng thâm niên cơ yếu.
2.3 Đối với học viên cơ yếu đang hưởng lương
Học viên cơ yếu đang hưởng lương thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp theo quy định đối với người làm công tác cơ yếu và được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ cơ mật mật mã như đã được hưởng trước khi đi học.
(Khoản 3 Điều 12 Thông tư 07/2017/TT-BNV)
2.4 Đối với sinh viên học tại các trường ngoài ngành cơ yếu
– Nếu có đủ tiêu chuẩn được tuyển dụng vào làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu thì phải thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cơ yếu theo quy định của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.
– Sau khi học xong được xếp lương theo chức danh cơ yếu được bổ nhiệm.
(Khoản 4 Điều 12 Thông tư 07/2017/TT-BNV)
2.5 Đối với công chức, viên chức ngoài ngành cơ yếu
– Nếu được tuyển dụng vào làm công tác cơ yếu thì phải đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu theo quy định của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.
– Trong thời gian học tại trường cơ yếu được giữ nguyên mức lương hiện hưởng; sau khi học xong xếp lương theo chức danh cơ yếu được bổ nhiệm.
(Khoản 5 Điều 12 Thông tư 07/2017/TT-BNV)
2.6 Học viên tại Học viện Kỹ thuật mật mã
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể chế độ được hưởng đối với học viên tại Học viện Kỹ thuật mật mã sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.
(Khoản 6 Điều 12 Thông tư 07/2017/TT-BNV)
Kết luận: Trên đây, là những quy định về chế độ đối với học viên cơ yếu mà Dữ Liệu Pháp Lý đã tổng hợp và phân tích. Theo đó, chế độ tiền lương và phụ cấp đối với học viên cơ yếu được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể theo quy định của Thông tư 07/2017/TT-BNV.
Trình tự, thủ tục, hồ sơ và biểu mẫu thực hiện được xem tại đây:
Chế độ đối với học viên cơ yếu