1. Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước (đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh)
Doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, tùy vào nhu cầu, có thể thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam hoăc ở nước ngoài để tăng cường sự hiện diện thương mại của mình tại các địa phương khác. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể các nội dung trên theo Luật doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT như sau:
1) Khái niệm chi nhánh, văn phòng đại điện trong nước của doanh nghiệp
Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 44 Luật doanh nghiệp 2020 thì:
– Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
– Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
2) Tên chi nhánh và văn phòng đại diện
Theo quy định tại Điều 40 Luật doanh nghiệp 2020 thì tên chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước cần đáp ứng những điều kiện sau đây:
– Phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu;
– Phải mang tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện;
– Phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.
Ví dụ:
– Chi nhánh Công ty TNHH Hoa Hồng;
– Chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Hoa Hồng;
– Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh – Công ty cổ phần Hoa Hồng;
– Văn phòng đại diện Công ty TNHH Hoa Hồng;
– Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh – Công ty cổ phần Hoa Hồng;
– Địa điểm kinh doanh – Công ty cổ phần Hoa Hồng;
3) Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước
Doanh nghiệp có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện tại một địa phương theo địa giới hành chính. (Khoản 1 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2020)
Theo Khoản 2 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2020 thì trường hợp lập chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện đến Sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh, văn phòng đại diện.
4) Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện (đối với doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương):
Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp hoạt động theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương khi đăng ký hoạt động chi nhánh cần nộp hồ sơ xin cấp phép thực hiện dự án đầu tư tại địa chỉ chi nhánh.
5) Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện thay thế cho nội dung đăng ký hoạt động trong Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện do cơ quan đăng ký đầu tư cấp mà không thay đổi nội dung đăng ký hoạt động
6) Thông báo mẫu dấu của chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước
Theo quy định tại Điều 43 Luật doanh nghiệp 2020 thì
-Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
-Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
7) Kế toán và thuế của chi nhánh và văn phòng đại diện trong nước
Theo Điểm d Khoản 3 Điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC thì chi nhánh và văn phòng đại diện trong nước được hạch toán như sau:
Người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất và nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 01/GTGT, phụ lục bảng phân bổ thuế giá trị gia tăng phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu (trừ hoạt động sản xuất thủy điện, hoạt động kinh doanh xổ số điện toán) theo mẫu số 01-6/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp; nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư này.
Lưu ý :
- Cả văn phòng đại diện và chi nhánh trong nước đều không có tư cách pháp nhân, hoạt động theo ủy quyền từ doanh nghiệp hoặc người đứng đầu tổ chức;
- Chi nhánh được phép thực hiện một phần hoặc toàn bộ các công việc, nghiệp vụ như doanh nghiệp mẹ của mình (thực hiện nhằm múc đích sinh lời);
- Văn phòng đại diện không được thực hiện các hoạt động kinh doanh sinh lời. Văn phòng đại diện không có quyền tự nhân danh mình ký kết hợp đồng riêng. Doanh nghiệp chịu tất cả các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ hoạt động của văn phòng đại diện nên việc hạch toán của văn phòng đại diện là phụ thuộc vào doanh nghiệp;
- Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
8) Thông báo lập chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài
Căn cứ Khoản 4 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì việc lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó.
Lưu ý: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày chính thức mở chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký.
9) Xử lý vi phạm
Căn cứ quy định tại Điều 54 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kinh doanh ở địa điểm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp) hoặc chi nhánh (trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh) thực hiện hoạt động kinh doanh.
Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;
b) Chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh;
c) Chuyển trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đã đăng ký nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi chi nhánh, văn phòng đại diện chuyển đến.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Kết luận: Khi đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện trong nước khi thực hiện cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Luật doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT , Quyết định 1038/QĐ-BKHĐT.
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:
Đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện ở nước ngoài (đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh)