26. Xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải
Khi tàu biển, người hoặc hàng hóa vận chuyển trên tàu bị tổn thất hoặc nghi ngờ có tổn thất do gặp tai nạn, sự cố thì thuyền trưởng phải lập kháng nghị hàng hải và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải theo Bộ luật Hàng hải 2015, Thông tư 30/2016/TT-BGTVT.
1. Một số khái niệm cơ bản
Kháng nghị hàng hải là văn bản do thuyền trưởng lập, công bố hoàn cảnh tàu biển gặp phải và những biện pháp thuyền trưởng đã áp dụng để khắc phục hoàn cảnh đó, hạn chế tổn thất xảy ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ tàu và những người có liên quan. (khoản 1 Điều 118 Bộ luật hàng hải 2015).
Tàu thuyền là phương tiện hoạt động trên mặt nước hoặc dưới mặt nước bao gồm tàu, thuyền và các phương tiện khác có động cơ hoặc không có động cơ. (khoản 1 Điều 4 Bộ luật hàng hải 2015).
2. Những nội dung chính của kháng nghị hàng hải
Khi tàu biển, người hoặc hàng hóa vận chuyển trên tàu bị tổn thất hoặc nghi ngờ có tổn thất do gặp tai nạn, sự cố thì thuyền trưởng phải lập kháng nghị hàng hải và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 118 Bộ luật Hàng hải để xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.
Kháng nghị hàng hải gồm một số nội dung chính theo quy định tại Điều 3 Thông tư 30/2016/TT-BGTVT như sau:
– Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, số, ngày cấp, nơi cấp của chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của thuyền trưởng.
– Thông tin về tàu thuyền gồm: tên tàu thuyền, cảng (nơi) đăng ký, số đăng ký, cảng đến (cảng rời, cảng trung chuyển), tổng dung tích, quốc tịch, số IMO (nếu có).
– Số lượng, chủng loại, đặc điểm đóng gói (rời/đóng bao) của hàng hóa trên tàu thuyền (nếu có).
– Thời gian, vị trí xảy ra tai nạn, sự cố.
– Điều kiện thời tiết khi xảy ra tai nạn, sự cố.
– Mô tả diễn biến về tai nạn, sự cố.
– Những tổn thất do tai nạn hoặc nghi ngờ có tổn thất do tai nạn, sự cố gây ra (nếu có).
– Những biện pháp đã áp dụng để khắc phục hoàn cảnh tai nạn, sự cố và hạn chế tổn thất do tai nạn, sự cố gây ra (nếu có).
– Những thông tin khác có liên quan đến tai nạn, sự cố (nếu có).
– Danh sách liệt kê các tài liệu kèm theo như quy định tại Điều 5 của Thông tư này.
Lưu ý: Kháng nghị hàng hải được xác nhận theo quy định của Bộ luật này có giá trị chứng cứ khi giải quyết tranh chấp có liên quan và nó không miễn trừ trách nhiệm của thuyền trưởng đối với sự kiện có liên quan.( Điều 119 Bộ luật Hàng hải 2015)
3. Thời hạn trình kháng nghị hàng hải
Căn cứ theo Điều 120 Bộ luật Hàng hải 2015 thì thời hạn kháng nghị hàng hải được quy định như sau:
– Nếu tai nạn, sự cố xảy ra trong khi tàu hành trình trên biển thì kháng nghị hàng hải phải được trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận chậm nhất 24 giờ kể từ khi tàu ghé vào cảng biển đầu tiên.
– Nếu tai nạn, sự cố xảy ra tại cảng biển Việt Nam thì kháng nghị hàng hải phải được trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận chậm nhất 24 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn, sự cố đó.
– Nếu tai nạn, sự cố xảy ra có liên quan đến hàng hóa trong hầm hàng thì kháng nghị hàng hải phải được trình cơ quan có thẩm quyền xác nhận trước khi mở nắp hầm hàng.
– Nếu không thể trình kháng nghị hàng hải quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì trong kháng nghị hàng hải phải ghi rõ lý do.
Lưu ý: Căn cứ theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hàng hải 2015 thì thuyền trưởng có quyền lập kháng nghị hàng hải bổ sung nếu thấy cần thiết và trình cho cơ quan có thẩm quyền xác nhận
4. Thực hiện kháng nghị hàng hải
Nội dung xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải theo quy định tại Điều 7 Thông tư 30/2016/TT-BGTVT bao gồm:
– Ngày, giờ nhận trình kháng nghị hàng hải.
– Xác nhận việc đã nhận trình kháng nghị hàng hải.
– Họ, tên, chức danh và chữ ký của người xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.
– Đóng dấu của cơ quan xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải.
Lưu ý:
– Các giấy tờ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Thông tư 30/2016/TT-BGTVT phải có chữ ký của thuyền trưởng và đóng dấu của tàu thuyền (nếu có); đối với bản kháng nghị hàng hải, ngoài chữ ký của thuyền trưởng và đóng dấu của tàu thuyền (nếu có con dấu) còn phải có chữ ký của máy trưởng, một sĩ quan hoặc một thủy thủ với tư cách là những người làm chứng.
– Ngoài số lượng bản kháng nghị hàng hải được quy định tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư 30/2016/TT-BGTVT, thuyền trưởng có thể yêu cầu xác nhận thêm các bản khác có cùng nội dung, nếu thấy cần thiết.
Kết luận: Khi tàu biển, người hoặc hàng hóa vận chuyển trên tàu bị tổn thất hoặc nghi ngờ có tổn thất do gặp tai nạn, sự cố thì thuyền trưởng phải lập kháng nghị hàng hải và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải. Khi thực hiện thủ tục xác nhận việc trình kháng nghị hàng hải cần phải tuân thủ theo quy định tại Bộ luật Hàng hải 2015, Thông tư 30/2016/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 07/2018/TT-BGTVT).
Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây: