2. Xác nhận bảng kê lâm sản

Posted on

Chủ lâm sản sau khi lập bảng kê lâm sản cần tiến hành thủ tục xác nhận bảng kê lâm sản tại cơ quan có thẩm quyền. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo quy định tại Luật lâm nghiệp 2017, Nghị định 35/2019/NĐ-CP, Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT.

1. Khái niệm

Lâm sản là sản phẩm khai thác từ rừng bao gồm thực vật rừng, động vật rừng và các sinh vật rừng khác gồm cả gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản phẩm gỗ, song, mây, tre, nứa đã chế biến. (Khoản 16 Điều 2 Luật lâm nghiệp năm 2017).

Gỗ tròn là gỗ còn nguyên hình dạng sau khai thác, gỗ lóc lõi có đường kính đầu nhỏ từ 10 cm đến dưới 20 cm, chiều dài từ 01 mét trở lên hoặc có đường kính đầu nhỏ từ 20 cm trở lên, chiều dài từ 30 cm trở lên. Đối với gỗ rừng trồng, rừng tràm, rừng ngập mặn có đường kính đầu nhỏ từ 06 cm trở lên, chiều dài từ 01 mét trở lên. Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là CITES) không phân biệt kích thước (khoản 2 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Gỗ xẻ là gỗ đã cưa, xẻ hoặc đẽo thành hộp, thanh, tấm (khoản 3 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Thực vật rừng ngoài gỗ là củi, các loại song, mây, tre, nứa, thực vật rừng thân thảo, bộ phận và dẫn xuất của chúng (khoản 4 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Thực vật rừng thông thường là những loài không thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và không thuộc Phụ lục CITES (khoản 5 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Khai thác động vật rừng thông thường từ tự nhiên là hoạt động lấy các cá thể động vật rừng thông thường, trứng, ấu trùng của chúng ra khỏi nơi cư trú tự nhiên (khoản 6 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Khai thác tận dụng là việc khai thác những cây gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ và dẫn xuất của thực vật rừng trong quá trình thực hiện các biện pháp lâm sinh, nghiên cứu khoa học; khai thác lâm sản trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (khoản 7 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Khai thác tận thu là việc tận thu gỗ, thực vật rừng ngoài gỗ từ những cây gỗ, thực vật rừng bị đổ gãy, bị chết tự nhiên hoặc chết do thiên tai còn nằm trong rừng (khoản 8 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Vận chuyển nội bộ là vận chuyển giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập hoặc vận chuyển từ doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập đến các đơn vị hạch toán phụ thuộc và ngược lại (khoản 11 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

2. Bảng kê lâm sản

2.1. Chủ thể lập bảng kê lâm sản

Bảng kê lâm sản do chủ lâm sản lập sau khai thác; khi mua bán, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản theo quy định hoặc do người có thẩm quyền lập khi lập hồ sơ xử lý vi phạm (điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Trong đó, chủ lâm sản là tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu lâm sản hoặc là người đại diện cho chủ lâm sản thực hiện việc quản lý, vận chuyển lâm sản đó (khoản 13 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Lưu ý:

Chủ lâm sản chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung kê khai và nguồn gốc lâm sản hợp pháp tại bảng kê lâm sản (điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

2.2. Bảng kê lâm sản

Hướng dẫn lập bảng kê lâm sản theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT:

-Chủ lâm sản ghi đầy đủ các nội dung về lâm sản tại bảng kê lâm sản theo Mẫu số 01, Mẫu số 02, Mẫu số 03 hoặc Mẫu số 04 kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT;

– Đối với gỗ không đủ kích thước quy định tại điểm g khoản 1 Điều 4 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, ghi tổng chung số lượng và khối lượng hoặc trọng lượng của lâm sản đó vào bảng kê lâm sản;

– Chủ lâm sản khi lập bảng kê lâm sản đối với gỗ tròn, gỗ xẻ có số hiệu gỗ theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 4 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT, phải ghi số hiệu gỗ vào bảng kê lâm sản.

– Đối với thực vật rừng ngoài gỗ hoặc động vật rừng, chủ lâm sản phải ghi chi tiết hoặc ghi tổng hợp chung số lượng và khối lượng hoặc trọng lượng đối với từng loại lâm sản trong bảng kê lâm sản;

– Cuối mỗi trang của bảng kê lâm sản ghi tổng số lượng và khối lượng hoặc trọng lượng, dung tích từng loại lâm sản của trang đó và có chữ ký của chủ lâm sản. Trang cuối của bảng kê lâm sản ghi tổng số lượng và khối lượng hoặc trọng lượng, dung tích của từng loại lâm sản trong cả bảng kê lâm sản.

3. Xác nhận bảng kê lâm sản

Đối tượng phải thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản theo iều 6 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT  khoản 2 Công văn 53/KL-ĐT 2019):

– Gỗ khai thác từ rừng tự nhiên trong nước chưa chế biến.

– Thực vật rừng ngoài gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Phụ lục CITES khai thác từ rừng tự nhiên trong nước chưa chế biến.

– Động vật rừng và bộ phận, dẫn xuất của động vật rừng có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên hoặc gây nuôi trong nước; động vật rừng, sản phẩm của động vật rừng nhập khẩu thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Lưu ý:

– Thông tư 27 quy định chỉ xác nhận bảng kê lâm sản đối với 03 đối tượng, được quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT và trường hợp các đối tượng này khi vận chuyển nội bộ ra ngoài tỉnh. Ngoài các đối tượng và trường hợp nêu trên, cơ quan Kiểm lâm sở tại không thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản, kể cả trường hợp chủ lâm sản đề nghị xác nhận

Thẩm quyền xác nhận bảng kê lâm sản theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT: Cơ quan có thẩm quyền xác nhận bảng kê lâm sản là cơ quan Kiểm lâm sở tại. Cơ quan Kiểm lâm sở tại bao gồm: Hạt Kiểm lâm cấp huyện; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh ở những địa phương không có Hạt Kiểm lâm cấp huyện (khoản 1 Điều 3 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Chủ lâm sản khai thác; khi mua bán, vận chuyển, xuất lâm sản trong cùng một lần và trên một phương tiện vận chuyển; khi lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu lâm sản theo quy định mà không tiến hành lập bảng kê lâm sản sẽ bị xử phạt hành chính theo các quy định tại Nghị định 35/2019/NĐ-CP. Ví dụ, đối với hành vi không lập bảng kê lâm sản khi khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp, chủ lâm sản sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 11 Nghị định 35/2019/NĐ-CP:

Vi phạm quy định về hồ sơ, thủ tục khai thác lâm sản có nguồn gốc hợp pháp:

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng do nhà nước đại diện chủ sở hữu có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ về hồ sơ lâm sản hoặc trình tự, thủ tục khai thác lâm sản theo quy định của pháp luật.

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, tận dụng, tận thu lâm sản từ rừng tự nhiên có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành đầy đủ các quy định về hồ sơ lâm sản hoặc trình tự, thủ tục về khai thác lâm sản theo quy định của pháp luật.

Kết luận: Chủ lâm sản thuộc đối tượng phải xác nhận bảng kê lâm sản theo Điều 6 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT nộp hồ sơ đến cơ quan Kiểm lâm sở tại theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật (Điều 7 Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT).

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Xác nhận bảng kê lâm sản