THÔNG BÁO TẬP TRUNG KINH TẾ

Các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện thông báo tập trung kinh tế phải thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung trên theo Luật cạnh tranh 2018, Nghị định 75/2019/NĐ-CP, Nghị định 35/2020/NĐ-CP như sau:

1. Một số khái niệm cơ bản

Tập trung kinh tế bao gồm các hình thức sau đây (khoản 1 Điều 29 Luật cạnh tranh 2018):

– Sáp nhập doanh nghiệp;

– Hợp nhất doanh nghiệp;

– Mua lại doanh nghiệp;

– Liên doanh giữa các doanh nghiệp;

– Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp

Lưu ý:

– Tập trung kinh tế bị cấm gồm các trường hợp doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam (Điều 30 Luật cạnh tranh 2018).

2. Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế 

Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế bao gồm (khoản 1 Điều 34 Luật cạnh tranh 2018):

– Thông báo tập trung kinh tế theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;

– Dự thảo nội dung thỏa thuận tập trung kinh tế hoặc dự thảo hợp đồng, biên bản ghi nhớ việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp;

– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;

– Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm thông báo tập trung kinh tế đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;

– Danh sách các công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên, chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị phụ thuộc khác của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (nếu có);

– Danh sách các loại hàng hóa, dịch vụ mà từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đang kinh doanh;

– Thông tin về thị phần trong lĩnh vực dự định tập trung kinh tế của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế;

– Phương án khắc phục khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của việc tập trung kinh tế;

– Báo cáo đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc tập trung kinh tế.

Lưu ý:

– Doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế chịu trách nhiệm về tính trung thực của hồ sơ. Tài liệu trong hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch tiếng Việt (khoản 2 Điều 34 Luật cạnh tranh 2018).

3. Tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế

Quy trình tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế quy định tại Điều 35 Luật cạnh tranh 2018 như sau:

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo.

– Khi kết thúc thời hạn mà bên được yêu cầu không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung không đầy đủ theo yêu cầu thì Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.

4. Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế

Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia theo quy định tại Điều 34 Luật cạnh tranh 2018 trước khi tiến hành tập trung kinh tế nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế .

Theo đó, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định như sau (Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018, Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP):

4.1. Các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế, trừ các doanh nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018, phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc trong một trong các trường hợp sau đây:

– Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

– Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

– Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên;

– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

4.2. Các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán dự định tham gia tập trung kinh tế theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật Cạnh tranh 2018 phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc trong một trong các trường hợp sau đây:

– Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên, của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt 20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

– Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

– Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán từ 3.000 tỷ đồng trở lên; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của tổ chức tín dụng từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;

– Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liên kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.

Lưu ý:

– Trường hợp tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được áp dụng theo điểm a, b hoặc d của khoản 1, điểm a, b hoặc d của khoản 2 Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP (khoản 3 Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP).

5. Xử phạt hành chính

Theo Điều 14 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính với hành vi không thông báo tập trung kinh tế:

– Phạt tiền từ 01% đến 05% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế mà không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định tại Điều 33 Luật Cạnh tranh 2018.

Kết luận: Khi Thông báo tập trung kinh tế cần đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Luật cạnh tranh 2018, Nghị định 35/2020/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đâyThông báo tập trung kinh tế

Liên quan