THÔNG BÁO VỀ TÌNH HÌNH BIẾN ĐỘNG LAO ĐỘNG NẾU CÓ HẰNG THÁNG

Posted on

Nếu trong tháng có sự biến động về số lượng người lao động làm việc thì trước ngày 03 hằng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc theo thủ tục Thông báo về tình hình biến động lao động nếu có hàng tháng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Bộ Luật lao động 2012, Bộ Luật lao động 2019, Nghị định 03/2014/NĐ-CP, Nghị định 28/2015/NĐ-CP, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH, Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA.

1. Khái niệm

Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động (khoản 1 Điều 3 Bộ Luật lao động 2012).

Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động (khoản 1 Điều 3 Bộ Luật lao động 2019).

Và, Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này, đó là những quy định riêng đối với Lao động chưa thành niên.

Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (khoản 2 Điều 3 Bộ Luật lao động 2019).

2. Thông báo tình hình biến động lao động hàng tháng

Căn cứ theo Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH:

– Người sử dụng lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về số lao động đang làm việc tại thời điểm ngày 01 tháng 10 năm 2015 theo Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn 30 ngày, kể từ thời điểm nêu trên.

– Đối với các đơn vị thành lập sau ngày 01 tháng 10 năm 2015 thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thành lập phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về số lao động làm việc tại đơn vị theo Mẫu số 28 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trước ngày 03 hằng tháng, người sử dụng lao động phải thông báo theo Mẫu số 29 ban hành kèm theo Thông tư này với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị nếu có (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).

Lưu ý:

– Trường hợp, người sử dụng lao động giảm từ 50 lao động trở lên thì phải thông báo ngay với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Lưu ý:

– Người sử dụng lao động thông báo về số lao động đang làm việc, tình hình biến động lao động của đơn vị bằng phần mềm quản lý lao động cho Trung tâm DVVL TP HCM, bằng cách vào địa chỉ:  http://vieclamhcm.net; tải phần mềm quản lý lao động: ces_qlld_go , cài đặt trên máy tính tại đơn vị, sau đó làm theo hướng dẫn cài đặt và hướng dẫn sử dụng.

3. Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Căn cứ theo khoản 6 Điều 32 của Nghị định 28/2015/NĐ-CP, Người sử dụng lao động có trách nhiệm:

Thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động làm việc tại đơn vị theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Lưu ý:

Đối với các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện, quy định cụ thể tại Điều 3 Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA:

3.1. Các trường hợp được xác định là biến động lao động trong đơn vị:

– Tăng lao động làm việc theo hình thức hợp đồng lao động;

– Giảm lao động làm việc theo hình thức hợp đồng lao động;

– Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo về số lao động tăng, số lao động giảm, lý do tăng, lý do giảm; số lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

3.2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm tổng hợp tình hình biến động lao động của các đơn vị để thông báo với Bộ Lao động – Thương bịnh và Xã hội như sau:

– Định kỳ sáu tháng đầu năm (trước ngày 15 tháng 7) thông báo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) về tình hình biến động lao động (tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 30 tháng 6);

– Định kỳ hằng năm (trước ngày 15 tháng 01 của năm sau) thông báo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm) về tình hình biến động lao động (tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó);

– Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thông báo về tình hình biến động lao động của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo Mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

Lưu ý:

– Trong thời hạn 7 ngày làm việc tính từ ngày các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giảm hoặc có kế hoạch giảm từ 100 lao động trở lên phải báo cáo với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thông báo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm).

4. Báo cáo tình hình biến đổi về việc sử dụng lao động theo kỳ

Bên cạnh việc thông báo về tình hình biến động lao động hàng tháng nếu có, người sử dụng lao động cũng phải báo cáo tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp theo định kỳ với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định tại khoản 2 điều 6 của Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH:

– Người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi về lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 03/2014/NĐ-CP trước ngày 25 tháng 5 và ngày 25 tháng 11 hằng năm theo mẫu số 07 ban hành kèm theo Thông tư này.

– Định kỳ 06 tháng và hằng năm, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi về lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

Như vậy, mỗi năm sẽ có 2 thời điểm Doanh nghiệp cần phải thực hiện khai báo:

– Trước ngày 25/05 Doanh nghiệp thực hiện Báo cáo tình hình sử dụng lao động 6 tháng đầu năm.

– Trước ngày 25/11 Doanh nghiệp thực hiện Báo cáo tình hình sử dụng lao động 6 tháng cuối năm.

5. Xử phạt vi phạm hành chính

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người sử dụng lao động khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật (khoản 3 Điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có hành vi Không báo cáo tình hình thay đổi về lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện (điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Thông báo về tình hình biến động lao động nếu có hàng tháng, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Bộ Luật lao động 2012, Bộ Luật lao động 2019, Nghị định 03/2014/NĐ-CP, Nghị định 28/2015/NĐ-CP, Nghị định 28/2020/NĐ-CP, Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH, Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH, Thông tư liên tịch 03/2016/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Thông báo về tình hình biến động lao động nếu có hàng tháng