TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI LAO ĐỘNG ĐỊNH KỲ TẠI NƠI LÀM VIỆC

Tổ chức đối thoại lao động định kỳ tại nơi làm việc. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý cụ thể nội dung trên theo Bộ Luật Lao động 2012, Nghị định 149/2018/NĐ-CP, Hướng dẫn 1499/HD-TLĐ như sau:

1. Mục đích, hình thức đối thoại tại nơi làm việc (Điều 63 Bộ Luật Lao động 2012, Điều 8 Nghị định 149/2018/NĐ-CP)

– Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc.

– Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

2. Thời hạn tiến hành đối thoại tại nơi làm việc (Điều 65 Bộ Luật Lao động 2012)

– Đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 03 tháng một lần hoặc theo yêu cầu của một bên.

– Người sử dụng lao động có nghĩa vụ bố trí địa điểm và các điều kiện vật chất khác bảo đảm cho việc đối thoại tại nơi làm việc như địa điểm, thời gian, giấy tờ, thủ tục cần thiết cho các cuộc đối thoại, sắp xếp thời gian cho người lao động nếu là thành viên tham gia đối thoại.

3. Nội dung đối thoại định kỳ tại nơi làm việc (Điều 64 Bộ Luật Lao động 2012)

– Tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

– Việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc.

– Điều kiện làm việc.

– Yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động.

– Yêu cầu của người sử dụng lao động với người lao động, tập thể lao động.

– Nội dung khác mà hai bên quan tâm.

Lưu ý:

Công đoàn cơ sở cần nghiên cứu, lựa chọn những nội dung đối thoại phù hợp với đặc thù, tình hình doanh nghiệp, ưu tiên các nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động để đưa vào nội dung đối thoại như (khoản 3 Mục I Phần I Hướng dẫn 1499/HD-TLĐ):

– Tiền lương, tiền thưởng;

– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện làm việc;

– Chất lượng bữa ăn giữa ca;

– Tình hình thực hiện chế độ chính sách về BHXH, BHYT, BHTN;

– Trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức thực hiện kết quả đối thoại.

4. Thành phần đối thoại (khoản 3 MụcI Phần I Hướng dẫn 1499/HD-TLĐ)

Số lượng, thành phần tham gia đối thoại do công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động lựa chọn nhưng phải đảm bảo ít nhất mỗi bên có 3 thành viên tham gia đối thoại.

Nguyên tắc chung, công đoàn cơ sở lựa chọn số người tham gia đối thoại nhiều hơn phía người sử dụng lao động.

Lưu ý:

– Tiêu chuẩn thành viên đại diện cho người lao động hoặc công đoàn cơ sở tham gia đối thoại do ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động quyết định.

Đại diện người lao động phải là những thành viên có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên, am hiểu về pháp luật lao động, công đoàn, chế độ, chính sách lao động, việc làm, tình hình doanh nghiệp, có khả năng thuyết phục và được người lao động tín nhiệm.

5. Các bước tiến hành đối thoại (khoản 2 MụcII Phần I Hướng dẫn 1499/HD-TLĐ)

5.1. Chuẩn bị đối thoại

– Tổ chức lấy ý kiến của người lao động về những nội dung cần đưa ra đối thoại và quyết định lựa chọn hình thức đối thoại, thông qua: Phát phiếu hỏi, nghe phản ánh của đoàn viên, người lao động, họp công đoàn tổ, bộ phận để tập hợp ý kiến…

– Quyết định lựa chọn nội dung đối thoại thông qua việc bàn bạc, lựa chọn, biểu quyết từ các ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, đồng thời sắp xếp nội dung đối thoại theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với từng cuộc, hình thức đối thoại, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tham gia đối thoại như: chuẩn bị ý kiến, lập luận, tài liệu liên quan…

– Gửi bản đề xuất nội dung đối thoại đến người sử dụng lao động đảm bảo tiến độ.

– Sau khi có ý kiến phản hồi của người sử dụng lao động, ban chấp hành công đoàn cơ sở họp để xem xét, tổng hợp nội dung người sử dụng lao động chấp thuận và chưa chấp thuận, nội dung giải trình… từ đó phân công cho các thành viên tham gia cuộc đối thoại tiến hành chuẩn bị ý kiến phản biện, đặc biệt là những ý kiến, nội dung mà người sử dụng lao động chưa chấp thuận.

– Đối với nội dung yêu cầu đối thoại của người sử dụng lao động, chủ tịch hoặc phó chủ tịch công đoàn cơ sở chủ động gặp người sử dụng lao động, trao đổi để thống nhất các nội dung, địa điểm, thời gian, số lượng, thành phần tham gia đối thoại… của mỗi bên và công khai cho tập thể người lao động được biết.

– Trước khi cuộc đối thoại tiến hành, chủ tịch công đoàn cơ sở họp các thành viên tham gia, rà soát công việc, nội dung phân công, hoàn thiện các tài liệu, số liệu liên quan đến nội dung đối thoại, chuẩn bị các ý kiến nêu lên và ý kiến phản biện, nhất là các nội dung quan trọng liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động, đồng thời dự kiến các tình huống phát sinh và phương án xử lý.

5.2. Tiến hành cuộc đối thoại

– Tham gia phân công người viết biên bản cuộc đối thoại, đáp ứng yêu cầu đề ra.

– Đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở trình bày nội dung đối thoại, các căn cứ pháp lý, khó khăn, vướng mắc và những vấn đề người lao động bức xúc… cần thiết phải đưa ra đối thoại để giải quyết.

– Trong quá trình đối thoại, các thành viên đại diện cho người lao động, thể hiện tinh thần chia sẻ, hợp tác, nhưng đồng thời quyết liệt, mạnh mẽ, thảo luận để tìm cách giải quyết vấn đề. Trường hợp phát sinh những nội dung mới, những vấn đề ngoài nội dung đã chuẩn bị đối thoại thì đề nghị người sử dụng lao động cho hội ý, trao đổi nội bộ hoặc tạm ngừng đối thoại để thống nhất ý kiến, sau đó trở lại đối thoại tiếp.

– Ngay sau khi cuộc đối thoại kết thúc, các thành viên đại diện cho người lao động, công đoàn cơ sở tham gia đối thoại phối hợp với người sử dụng lao động hoàn thiện biên bản đối thoại, có kết luận về từng nội dung cụ thể, đồng thời đề xuất hướng giải quyết các nội dung chưa đạt kết quả trong cuộc đối thoại.

5.3. Thông báo kết quả đối thoại

– Trong thời gian 24 giờ kể từ khi các cuộc đối thoại kết thúc, công đoàn cơ sở thông báo cho người lao động kết quả đối thoại.

– Trường hợp cần thiết có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 48 giờ kể từ khi cuộc đối thoại kết thúc, trong trường hợp trùng vào ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ban chấp hành công đoàn cơ sở lựa chọn hình thức hoặc quyết định thời gian thông báo phù hợp.

6. Xử phạt vi phạm hành chính (Điều 11 Nghị định 95/2013/NĐ-CP)

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

– Không bố trí địa điểm và bảo đảm các điều kiện vật chất khác cho việc đối thoại tại nơi làm việc.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

– Không tiến hành đối thoại tại nơi làm việc định kỳ 03 tháng một lần;

Kết luận: Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc được cụ thể nội dung trên theo Luật Lao động 2012, Nghị định 149/2018/NĐ-CP, Hướng dẫn 1499/HD-TLĐ.

Liên quan