CẤP, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ

Cơ quan, tổ chức có quyền yêu cầu Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Luật Giá 2012Nghị định 89/2013/NĐ-CPNghị định 109/2013/NĐ-CP, Thông tư 38/2014/TT-BTC.

1. Khái niệm

Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá. (Điều 4 Luật Giá 2012)

Doanh nghiệp thẩm định giá là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 3 Nghị định 89/2013/NĐ-CP).

2. Doanh nghiệp thẩm định giá

2.1 Điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thẩm định giá (Điều 38 Luật Giá 2012)

– Doanh nghiệp thẩm định giá được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp thẩm định giá được hoạt động khi Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

2.2 Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá

2.2.1 Quyền của doanh nghiệp thẩm định giá (khoản 1 Điều 42 Luật Giá 2012)

– Cung cấp dịch vụ thẩm định giá;

– Nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng;

– Thành lập chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá;

– Đặt cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm định giá ở nước ngoài;

– Tham gia tổ chức nghề nghiệp trong nước và ngoài nước về thẩm định giá theo quy định của pháp luật;

– Yêu cầu khách hàng thẩm định giá cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu có liên quan đến tài sản thẩm định giá;

– Từ chối thực hiện dịch vụ thẩm định giá đối với yêu cầu của khách hàng;

– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2.2.2 Nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá (khoản 2 Điều 42 Luật Giá 2012)

– Tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này và Luật doanh nghiệp;

– Cung cấp Báo cáo kết quả thẩm định giá và Chứng thư thẩm định giá cho khách hàng và bên thứ ba sử dụng kết quả thẩm định giá theo hợp đồng thẩm định giá đã ký kết;

– Chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá;

– Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp;

– Bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật do vi phạm những thoả thuận trong hợp đồng thẩm định giá và trong trường hợp kết quả thẩm định giá gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng do không tuân thủ các quy định về thẩm định giá;

– Quản lý hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá thuộc quyền quản lý;

– Thực hiện chế độ báo cáo;

– Lưu trữ hồ sơ, tài liệu về thẩm định giá;

– Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2.3 Chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá

– Chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp thẩm định giá, thực hiện một phần hoặc toàn bộ công việc thẩm định giá theo sự uỷ quyền bằng văn bản của doanh nghiệp thẩm định giá.

– Được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật và có ít nhất 02 thẩm định viên về giá, trong đó Giám đốc chi nhánh phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp thẩm định giá đã thành lập chi nhánh đó. (Điều 41 Luật Giá 2012)

Lưu ý:

– Doanh nghiệp thẩm định giá phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh thẩm định giá do doanh nghiệp thành lập. (Điều 41 Luật Giá 2012).

– Chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện một phần công việc thẩm định giá không được phát hành chứng thư thẩm định giá (Điều 4 Thông tư 38/2014/TT-BTC)

2.4. Đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

2.4.1 Doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 39 của Luật Giá năm 2012 trong 03 tháng liên tục;

– Có sai phạm nghiêm trọng về chuyên môn hoặc vi phạm tiêu chuẩn thẩm định giá.

2.4.2 Doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Kê khai không đúng hoặc gian lận, giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

– Không kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong 12 tháng liên tục;

– Không khắc phục được vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bị đình chỉ;

– Bị giải thể, phá sản hoặc tự chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.

Lưu ý: Doanh nghiệp thẩm định giá bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá phải chấm dứt việc kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành.

2.5. Các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thực hiện thẩm định giá (Điều 10 Nghị định 89/2013/NĐ-CP)

– Thẩm định giá không đảm bảo tuân thủ các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

– Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước trong danh mục bí mật nhà nước.

– Có thẩm định viên tham gia thẩm định giá, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp thẩm định giá là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào tổ chức là khách hàng thẩm định giá.

– Có thẩm định viên tham gia thẩm định giá, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp thẩm định giá mà có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột là:

+ Thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn vào tổ chức là khách hàng thẩm định giá;

+ Người có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành, là kế toán trưởng, thành viên Ban kiểm soát, kiểm soát viên của tổ chức là khách hàng thẩm định giá.

– Người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát, kiểm soát viên của đơn vị được thẩm định giá đồng thời là người mua cổ phần, góp vốn vào doanh nghiệp thẩm định giá.

– Doanh nghiệp thẩm định giá và khách hàng thẩm định giá có các mối quan hệ sau:

+ Có cùng một cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức thành lập hoặc tham gia thành lập; hoặc hoạt động trong cùng một tập đoàn, tổng công ty, tổ hợp công ty mẹ – công ty con;

+ Có mối quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức giữa hai đơn vị;

+ Cùng trực tiếp hay gián tiếp chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn dưới mọi hình thức của một bên khác;

+ Có thỏa thuận hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng.

Lưu ý: Doanh nghiệp thẩm định giá đang trong thời gian bị đình chỉ hoặc tạm ngừng hoạt động thẩm định giá.

3. Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá:

Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó phải có chủ sở hữu;

– Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp trong đó ít nhất có 02 thành viên góp vốn;

– Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;

– Mức vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định. Người đại diện phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Đối với Công ty hợp danh:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó ít nhất phải có 02 thành viên hợp danh;

– Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Đối với Doanh nghiệp tư nhân:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp; chủ doanh nghiệp tư nhân cũng phải là thẩm định viên;

– Giám đốc doanh nghiệp tư nhân phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Đối với Công ty cổ phần:

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 cổ đông sáng lập;

– Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty cổ phần phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;

– Mức vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định. Người đại diện phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

4. Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Doanh nghiệp thẩm định giá được Bộ Tài chính xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá khi thay đổi một trong những nội dung sau (khoản 2 Điều 13 Nghị định 89/2013/NĐ-CP):

– Có sự thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị hủy hoại do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng khác.

5. Xử phạt vi phạm hành chính

Hành vi vi phạm quy định đối với doanh nghiệp thẩm định giá (Điều 18 Nghị định 109/2013/NĐ-CP)

5.1 Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi chậm thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính sau thời gian 20 ngày làm việc trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 18 Nghị định 109/2013/NĐ-CP):

– Không bảo đảm một trong các điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định pháp luật về giá;

– Có sự thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị hủy hoại do thiên tai, địch họa hoặc lý do bất khả kháng khác;

– Thay đổi về danh sách thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp (gồm: tên, năm sinh, quê quán, chức vụ, số Thẻ thẩm định viên và ngày cấp Thẻ thẩm định viên về giá);

– Doanh nghiệp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức sở hữu;

– Doanh nghiệp bị giải thể, phá sản, tạm ngừng, tự chấm dứt kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

– Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

5.2 Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai không đúng hoặc gian lận, giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (điểm b khoản 8 Điều 18 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ có thời hạn từ 50 ngày đến 60 ngày hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (điểm b khoản 14 Điều 18 Nghị định 109/2013/NĐ-CP).

Kết luận: Cơ quan, tổ chức sẽ được Cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của Luật Giá 2012Nghị định 89/2013/NĐ-CPThông tư 38/2014/TT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Liên quan