CHỈ ĐỊNH TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN KHẢO NGHIỆM DUS GIỐNG CÂY TRỒNG BẢO HỘ

Tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS giống cây trồng bảo hộ được cơ quan nhà nước chỉ định thông qua thủ tục chỉ định tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS giống cây trồng bảo hộ. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung trên theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009Luật trồng trọt năm 2018Nghị định 88/2010/NĐ-CPNghị định 31/2016/NĐ-CPThông tư 16/2013/TT-BNNPTNT.

1. Khái niệm

Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được (khoản 24 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).

Khảo nghiệm giống cây trồng là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng theo phương pháp nhất định (khoản 13 Điều 2 Luật trồng trọt năm 2018).

Khảo nghiệm DUS (Distinctness, Uniformity, Stability) là quá trình đánh giá tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định của giống cây trồng mới theo Quy phạm khảo nghiệm DUS đối với từng loài cây trồng. (khoản 4 Điều 2 Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới Ban hành theo Quyết định số: 95 /2007/QĐ-BNN (đã hết hiệu lực)).

Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên (khoản 1 Điều 160 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009)

Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống (khoản 1 Điều 161 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).

Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ (Điều 162 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005).

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS giống cây trồng bảo hộ.

2.1 Điều kiện tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS giống cây trồng bảo hộ:

Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP và đáp ứng yêu cầu cụ thể tại quy phạm khảo nghiệm DUS đối với từng loài cây trồng (khoản 1 Điều 13 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT).

Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 88/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân khảo nghiệm được chỉ định phải có đủ các điều kiện sau:

– Có chức năng khảo nghiệm hoặc nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng;

– Có địa điểm và diện tích đất phù hợp để bố trí thí nghiệm khảo nghiệm theo yêu cầu khảo nghiệm đối với loài cây trồng được chỉ định khảo nghiệm;

– Có thiết bị chuyên ngành hoặc có hợp đồng với tổ chức, cá nhân khác để phân tích, đánh giá các chỉ tiêu theo yêu cầu khảo nghiệm đối với loài cây trồng được chỉ định khảo nghiệm;

– Có ít nhất một (01) cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học chuyên ngành trồng trọt, giống cây trồng hoặc đã trực tiếp làm công tác khảo nghiệm kỹ thuật ít nhất hai (02) năm;

– Có bộ mẫu chuẩn của các giống cây trồng được biết đến rộng rãi thuộc loài cây trồng được chỉ định khảo nghiệm.

2.2 Quyền của tổ chức, cá nhân được chỉ định khảo nghiệm DUS (khoản 1 Điều 14 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT):

– Tiến hành khảo nghiệm trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân có giống khảo nghiệm thuộc loài cây trồng được chỉ định;

– Được thu phí khảo nghiệm theo quy định của nhà nước hoặc theo thoả thuận với tổ chức, cá nhân có giống khảo nghiệm nếu chưa có quy định của nhà nước;

– Từ chối cung cấp thông tin liên quan đến kết quả khảo nghiệm cho bên thứ ba, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

2.3 Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS được chỉ định (khoản 2 Điều 14 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT):

– Đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 16 Nghị định 88/2010/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP

– Thực hiện khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm DUS quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 88/2010/NĐ-CP

– Thực hiện khảo nghiệm DUS trong phạm vi được chỉ định. Không được từ chối khảo nghiệm khi không có lý do chính đáng;

– Trên cơ sở quy phạm khảo nghiệm, xây dựng trình tự thủ tục khảo nghiệm cụ thể cho từng đối tượng gửi Cục Trồng trọt và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm;

– Bảo đảm công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, chính xác và không phân biệt đối xử trong hoạt động khảo nghiệm;

– Gửi Cục Trồng trọt báo cáo kết quả khảo nghiệm theo mẫu tại Phụ lục 13 của Thông tư này, trong thời hạn bốn mươi lăm (45) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc khảo nghiệm; báo cáo mọi thay đổi có ảnh hưởng tới năng lực hoạt động được chỉ định trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày có sự thay đổi;

– Trả phí khảo nghiệm lại cho người nộp đơn theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 15 Nghị định 88/2010/NĐ-CP;

– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khảo nghiệm do chính tổ chức, cá nhân đó thực hiện; chịu sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2.4 Kiểm tra hoạt động của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS được chỉ định (khoản 3 Điều 13 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT)

– Tần xuất kiểm tra ít nhất là 02 năm/01 lần, trừ trường hợp kiểm tra đột xuất;

– Cục trưởng Cục Trồng trọt thành lập Đoàn kiểm tra gồm 02-03 người tiến hành kiểm tra tại chỗ;

– Kiểm tra tại chỗ được thực hiện tại cơ quan khảo nghiệm DUS và tại ít nhất một (01) thí nghiệm khảo nghiệm DUS. Kết quả kiểm tra là căn cứ để duy trì, cảnh báo, đình chỉ, huỷ bỏ hiệu lực của quyết định chỉ định;

– Nội dung kiểm tra: kiểm tra sự phù hợp của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS với các điều kiện được chỉ định; sự phù hợp của thí nghiệm khảo nghiệm với quy phạm khảo nghiệm DUS; hồ sơ và kết quả khảo nghiệm;

– Trường hợp tổ chức, cá nhân khảo nghiệm có sai lỗi phải thực hiện ngay các hành động khắc phục và báo cáo kết quả về Cục Trồng trọt theo thời gian quy định tại biên bản kiểm tra;

Cục Trồng trọt thẩm định kết quả khắc phục căn cứ theo báo cáo khắc phục của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS; khi cần thiết thì tổ chức kiểm tra lại tại chỗ

3. Chỉ định tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS giống cây trồng bảo hộ

3.1 Quyết định chỉ định tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS giống cây trồng bảo hộ

– Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP và đáp ứng yêu cầu cụ thể tại quy phạm khảo nghiệm DUS đối với từng loài cây trồng, gửi một (01) bộ hồ sơ về Cục Trồng trọt đề nghị được chỉ định thực hiện khảo nghiệm DUS (khoản 1 Điều 13 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT).

– Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc sau khi Cục Trồng trọt nhận được biên bản thẩm định của đoàn đánh giá và báo cáo khắc phục của tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm, Cục trưởng Cục Trồng trọt ký quyết định chỉ định tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS giống cây trồng; công bố trên Website của Văn phòng bảo hộ giống cây trồng mới trong thời hạn năm (05) ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định. Trường hợp không giải quyết, phải thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do (điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT.

– Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định là mười (10) năm. Trước khi hết hiệu lực chín mươi (90) ngày, tổ chức, cá nhân muốn được chỉ định lại phải gửi đơn đề nghị theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 của Thông tư này. Căn cứ đơn đề nghị, kết quả kiểm tra hoạt động trong thời gian được chỉ định, Cục trưởng Cục Trồng ký quyết định chỉ định lại hoặc không chỉ định lại tổ chức, cá nhân khảo nghiệm DUS giống cây trồng, nêu rõ lý do (điểm d khoản 2 Điều 13 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT).

3.2 Cảnh báo, đình chỉ, phục hồi và huỷ bỏ hiệu lực của quyết định chỉ định tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS giống cây trồng bảo hộ

Căn cứ kết quả kiểm tra, thanh tra, Cục trưởng Cục Trồng trọt quyết định (Điều 15 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT)

– Cảnh báo khi tổ chức, cá nhân khảo nghiệm được chỉ định có sai lỗi nhưng chưa ảnh hưởng đến kết quả khảo nghiệm.

– Đình chỉ quyết định chỉ định trong trường hợp có sai lỗi về kỹ thuật nhưng có thể khắc phục được và chưa gây hậu quả nghiêm trọng gồm:

+Các hành động khắc phục trong biên bản kiểm tra không được thực hiện đầy đủ;

+ Các ý kiến khiếu nại về kết quả khảo nghiệm là do sai lỗi của tổ chức, cá nhân khảo nghiệm nhưng không được khắc phục;

+ Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 của Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT.

 Phục hồi hiệu lực của quyết định chỉ định khi các sai lỗi đã được khắc phục.

– Huỷ bỏ hiệu lực của quyết định chỉ định trong trường hợp tổ chức, cá nhân khảo nghiệm mắc sai lỗi nghiêm trọng: không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 15, Điều 17 Nghị định số 88/2010/NĐ-CP hoặc công bố kết quả khảo nghiệm không đúng sự thật.

Trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày Cục trưởng Cục Trồng trọt quyết định huỷ bỏ quyết định chỉ định, tổ chức, cá nhân khảo nghiệm không được hoạt động khảo nghiệm. Sau đó nếu có nhu cầu khảo nghiệm thì phải đăng ký chỉ định lại theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 13 của Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Vi phạm quy định về khảo nghiệm tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định (khảo nghiệm DUS) theo Điều 9 Nghị định 31/2016/NĐ-CP:

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi khảo nghiệm nhưng không duy trì đầy đủ Điều kiện khảo nghiệm như tại thời Điểm được cơ quan có thẩm quyền chỉ định.

– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khảo nghiệm nhưng không thực hiện đúng quy định khảo nghiệm hiện hành.

– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi công bố sai sự thật kết quả khảo nghiệm.

– Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Quyết định chỉ định khảo nghiệm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm công bố sai sự thật kết quả khảo nghiệm.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm công bố sai sự thật kết quả khảo nghiệm.

Kết luận: Tổ chức, cá nhân muốn được chỉ định thực hiện khảo nghiệm DUS gửi bộ hồ sơ cho Cục Trồng trọt theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật (Điều 13 Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT).

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu thực hiện xem tai đây:

Chỉ định tổ chức, cá nhân thực hiện khảo nghiệm DUS giống cây trồng bảo hộ

Liên quan