CUNG CẤP THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN ĐẦU TƯ

Nhà đầu tư có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp thông tin về dự án đầu tư. Vấn đề này được Dữ Liệu Pháp Lý tổng hợp dựa trên các căn cứ pháp lý sau: Luật Đầu tư 2014, Nghị định 118/2015/NĐ-CP, Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT.

1. Khái niệm

Dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định. (khoản 2 Điều 3 Luật Đầu tư 2014)

Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư. (khoản 5 Điều 3 Luật Đầu tư 2014)

Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. (khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư 2014)

Vốn đầu tư của dự án là vốn góp của nhà đầu tư và vốn do nhà đầu tư huy động để thực hiện dự án đầu tư được ghi tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. (khoản 15 Điều 2 Nghị định 118/2015/NĐ-CP)

Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. (khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư 2014)

Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. (khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2014)

Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. (khoản 15 Điều 3Luật Đầu tư 2014)

Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. (khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư 2014)

Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. (khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư 2014)

2. Trách nhiệm cung cấp thông tin về dự án đầu tư

Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu cung cấp thông tin về quy hoạch, danh mục dự án đầu tư và các thông tin khác liên quan đến dự án đầu tư, các cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch, tài nguyên và môi trường và các cơ quan quản lý nhà nước khác (khoản 1 Điều 21 Luật Đầu tư 2014), có trách nhiệm cung cấp thông tin theo thẩm quyền cho nhà đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của nhà đầu tư. (khoản 2 Điều 21 Nghị định 118/2015/NĐ-CP)

Nhà đầu tư có quyền sử dụng thông tin theo quy định trên để lập hồ sơ đăng ký đầu tư. (khoản 3 Điều 21 Nghị định 118/2015/NĐ-CP)

3. Xử lý vi phạm

3.1. Vi phạm về việc báo cáo, cung cấp thông tin trong hoạt động đầu tư công (Điều 6 Nghị định 50/2016/NĐ-CP)

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo tình hình triển khai thực hiện chương trình, dự án.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thiết kế chương trình, dự án không đầy đủ, không chính xác.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án;

– Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong triển khai kế hoạch, chương trình, dự án.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.

3.2. Vi phạm về chế độ báo cáo và cung cấp thông tin đối với chương trình, dự án ODA (Điều 12 Nghị định 50/2016/NĐ-CP)

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ chế độ báo cáo kết quả thực hiện chương trình, dự án ODA gửi cơ quan có thẩm quyền. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập báo cáo gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai lệch cho các bên hợp đồng, tư vấn lập và thực hiện chương trình, dự án ODA. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cung cấp thông tin, tài liệu chính xác cho các bên hợp đồng, tư vấn lập và thực hiện chương trình, dự án.

Kết luận

Việc cung cấp thông tin về dự án đầu tư được Dữ Liệu Pháp Lý tổng hợp dựa trên các căn cứ pháp lý sau: Luật Đầu tư 2014, Nghị định 118/2015/NĐ-CP, Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT.

Chi tiết trình tự thủ tục, hồ sơ, mẫu đơn xem tại đây:

Cung cấp thông tin về dự án đầu tư.

Liên quan