ĐĂNG KÝ CẤP, CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ DỊCH VỤ KẾ TOÁN (CẤP MỚI)

Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán sẽ được cấp khi người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên thực hiện đăng ký hành nghề và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc làm việc tại hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể thủ tục Đăng ký cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (Cấp mới) theo Luật Kế toán 2015Thông tư 296/2016/TT-BTC.

1. Một số khái niệm cơ bản

Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán (khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán 2015).

Kế toán là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính dưới hình thức giá trị, hiện vật và thời gian lao động (khoản 8 Điều 3 Luật Kế toán 2015).

Kế toán tài chính là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính bằng báo cáo tài chính cho đối tượng có nhu cầu sử dụng thông tin của đơn vị kế toán (khoản 9 Điều 3 Luật Kế toán 2015).

Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán (khoản 10 Điều 3 Luật Kế toán 2015).

Kế toán viên hành nghề là người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của Luật này (khoản 11 Điều 3 Luật Kế toán 2015).

Kiểm tra kế toán là việc xem xét, đánh giá tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán (khoản 12 Điều 3 Luật Kế toán 2015).

2. Đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

Người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện sau đây (khoản 1 Điều 58 Luật Kế toán 2015):

– Có năng lực hành vi dân sự;

– Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học;

– Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức theo quy định.

Lưu ý:

– Người có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Kế toán 2015 thực hiện đăng ký hành nghề và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Bộ Tài chính quy định thủ tục cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (khoản 2 Điều 58 Luật Kế toán 2015).

– Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán chỉ có giá trị khi người được cấp có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc làm việc tại hộ kinh doanh dịch vụ kế toán (khoản 3 Điều 58 Luật Kế toán 2015).

Lưu ý:

Những người không được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán gồm (khoản 4 Điều 58 Luật Kế toán 2015):

– Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, Công an nhân dân.

– Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

– Người đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;

– Người bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán mà chưa hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt trong trường hợp bị phạt cảnh cáo hoặc chưa hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác;

– Người bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán.

3. Nguyên tắc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

Việc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán phải đảm bảo các nguyên tắc sau (Điều 5 Thông tư 296/2016/TT-BTC):

– Việc đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được thực hiện thông qua doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian.

– Người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán phải chịu trách nhiệm về các thông tin đã kê khai trong hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, đại diện hộ kinh doanh dịch vụ kế toán và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác nhận thông tin trong hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán phải chịu trách nhiệm liên đới về tính trung thực của thông tin đã xác nhận.

– Các văn bằng, chứng chỉ trong hồ sơ đăng ký nếu bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch tiếng Việt đã được công chứng hoặc chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
4.1. Nội dung

Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bao gồm các nội dung cơ bản sau đây (khoản 1 Điều 7 Thông tư 296/2016/TT-BTC):

– Họ và tên, năm sinh, quê quán hoặc quốc tịch, ảnh của người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;

– Số và ngày cấp chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên;

– Tên doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán làm việc;

– Số Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;

– Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

4.2. Thời hạn

Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán có thời hạn tối đa là 5 năm (60 tháng) nhưng không quá ngày 31/12 của năm thứ năm kể từ năm bắt đầu có hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (khoản 2 Điều 7 Thông tư 296/2016/TT-BTC).

Lưu ý:

Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết hiệu lực hoặc không còn giá trị trong các trường hợp sau (Điều 9 Thông tư 296/2016/TT-BTC):

– Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán hết thời hạn.

– Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bị thu hồi.

– Trong thời gian kế toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán.

– Kế toán viên hành nghề không còn làm việc và chấm dứt hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

– Hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán hết thời hạn hoặc có các thay đổi dẫn đến không còn bảo đảm là hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

– Giấy phép lao động tại Việt Nam của kế toán viên hành nghề là người nước ngoài hết hiệu lực hoặc không còn giá trị.

– Kế toán viên hành nghề không tiếp tục hành nghề dịch vụ kế toán.

– Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi kế toán viên hành nghề đăng ký hành nghề bị chia, bị tách, bị hợp nhất, bị sáp nhập, bị chấm dứt hoạt động, giải thể, phá sản.

– Người bị mất năng lực hành vi dân sự; người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án một trong các tội xâm phạm quản lý kinh tế liên quan đến tài chính, kế toán; người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.

– Kế toán viên hành nghề bị chết, mất tích.

5. Đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (Cấp mới).

Hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bao gồm (Điều 3 Thông tư 296/2016/TT-BTC):

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 01/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này.

– Bản sao hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán (trừ trường hợp người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán thuộc đối tượng không phải có hợp đồng lao động theo pháp luật về lao động).

– Bản sao chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên.

– Giấy xác nhận về thời gian thực tế làm công tác tài chính, kế toán, kiểm toán theo mẫu quy định tại Phụ lục số 04/ĐKHN ban hành kèm theo Thông tư này hoặc các tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm công tác tài chính, kế toán, kiểm toán.

– Hai ảnh màu cỡ 3x4cm được chụp trên nền trắng trong thời hạn không quá sáu (06) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

– Bản sao Quyết định thôi việc hoặc Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động tại nơi làm việc trước khi đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (nếu có).

– Bản sao Giấy phép lao động tại Việt Nam của người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán là người nước ngoài trừ trường hợp người đăng ký thuộc đối tượng không phải có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật lao động Việt Nam.

– Tài liệu chứng minh giờ cập nhật kiến thức tại các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán, kiểm toán đối với trường hợp có tính giờ cập nhật kiến thức.

Lưu ý:

5.1. Người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được coi là có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán khi (khoản 1 Điều 4 Thông tư 296/2016/TT-BTC):

– Hợp đồng lao động ký kết giữa người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán phải bảo đảm các yếu tố theo quy định của Bộ Luật lao động;

– Thời gian làm việc quy định trong hợp đồng và thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần của người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bảo đảm đúng và phù hợp với thời gian làm việc hàng ngày, hàng tuần của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán nơi người đó đăng ký hành nghề;

Ví dụ: thời gian làm việc của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán từ 08h00 – 17h00 và 05 ngày/tuần thì người được coi là làm toàn bộ thời gian phải làm việc đầy đủ thời gian từ 08h00 – 17h00 hàng ngày và 05 ngày/tuần không bao gồm thời gian làm thêm, ngày nghỉ, ngày lễ.

+ Trong thời gian thực tế làm việc hàng ngày, hàng tuần tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định tại điểm b khoản này thì người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không được đồng thời làm người đại diện theo pháp luật, giám đốc (tổng giám đốc), chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, kế toán trưởng (hoặc phụ trách kế toán), nhân viên kế toán, kiểm toán nội bộ hoặc các chức danh khác tại đơn vị, tổ chức khác.

5.2. Xác định thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán (khoản 2 Điều 4 Thông tư 296/2016/TT-BTC):

– Thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán được tính là thời gian đã làm các công việc liên quan đến tài chính, kế toán, kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mà người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng lao động phù hợp với thời gian làm việc thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;

– Thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán được tính cộng dồn kể từ thời điểm được cấp bằng tốt nghiệp đại học đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo nguyên tắc tròn tháng;

– Thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán phải có xác nhận, đóng dấu của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã thực tế làm việc. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán làm việc đã giải thể, phá sản, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức sở hữu, chuyển đổi loại hình thì phải có Bản giải trình kèm theo các tài liệu chứng minh về thời gian thực tế làm công tác tài chính, kế toán, kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đó như bản sao sổ bảo hiểm xã hội, bản sao hợp đồng lao động, bản sao quyết định tuyển dụng.

6. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng thì kế toán viên hành nghề được đề nghị Bộ Tài chính cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và phải nộp phí theo quy định (khoản 1 Điều 10 Thông tư 296/2016/TT-BTC).

Bộ Tài chính xem xét, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cho kế toán viên hành nghề trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và nộp đủ phí theo quy định. Trường hợp từ chối cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, Bộ Tài chính trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 3 Điều 10 Thông tư 296/2016/TT-BTC).

Lưu ý:

– Thời hạn của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán được cấp lại là thời hạn còn lại của Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã bị mất, hỏng (khoản 4 Điều 10 Thông tư 296/2016/TT-BTC).

7. Đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán

Kế toán viên hành nghề bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau (khoản 1 Điều 13 Thông tư 296/2016/TT-BTC và khoản 1 Điều 2 Thông tư 44/2019/TT-BTC):

– Các trường hợp quy định tại điểm a, c, d khoản 6 Điều 69 Luật Kế toán 2015;

– Kế toán viên hành nghề không có đủ số giờ cập nhật kiến thức hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính;

– Kế toán viên hành nghề vi phạm các trách nhiệm quy định tại khoản 5, 6, 7, 8 Điều 15 Thông tư 296/2016/TT-BTC;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Lưu ý:

– Trong thời gian bị đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán, kế toán viên hành nghề không được tiếp tục hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán.

– Khi hết thời gian đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán, nếu kế toán viên hành nghề bảo đảm các điều kiện theo quy định và Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán đã được cấp còn thời hạn thì được tiếp tục hành nghề dịch vụ kế toán. Bộ Tài chính sẽ bổ sung tên kế toán viên hành nghề vào danh sách công khai kế toán viên đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán ngay khi hết thời gian đình chỉ hành nghề dịch vụ kế toán (khoản 2 Điều 13 Thông tư 296/2016/TT-BTC).

8. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán

Kế toán viên hành nghề bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán trong các trường hợp (khoản 1 Điều 13 Thông tư 296/2016/TT-BTC và khoản 7 Điều 69 Luật Kế toán 2015).

– Gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán;

– Bị thu hồi chứng chỉ kế toán viên;

– Bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật

Lưu ý:

– Người bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không được tiếp tục hành nghề dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, dịch vụ lập báo cáo tài chính, dịch vụ tư vấn kế toán và các công việc khác thuộc nội dung công tác kế toán và phải nộp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán cho Bộ Tài chính theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Thông tư 296/2016/TT-BTC (khoản 2 Điều 13 Thông tư 296/2016/TT-BTC).

– Người bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán không được đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán trong thời hạn mười hai tháng, kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực (khoản 3 Điều 13 Thông tư 296/2016/TT-BTC).

Kết luận: Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng thì kế toán viên hành nghề được đề nghị Bộ Tài chính cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán. Khi thực hiện thủ tục Đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toáncần phải tuân thủ theo quy định tại Luật Kế toán 2015Thông tư 296/2016/TT-BTCThông tư 44/2019/TT-BTC

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán (Cấp mới)

Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán

Liên quan