ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH MUA, BÁN VÀNG MIẾNG CHO DOANH NGHIỆP/CHO TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và cần phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh. Sau đây, Dữ liệu pháp lý sẽ cụ thể hơn về vấn đề Đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho doanh nghiệp/cho tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 38/2015/TT-NHNN.

1. Một số khái niệm cơ bản

Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây được gọi là Ngân hàng Nhà nước) cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ. Khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP

2. Quản lý hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Điều 10 Nghị định 24/2012/NĐ-CP

3. Điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng

Căn cứ Điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

3.1. Đối với Doanh nghiệp

– Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.

– Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.

– Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.

– Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).

–  Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

3.2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.

– Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.

– Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.

4. Trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng

Căn cứ Điều 12 Nghị định 24/2012/NĐ-CP Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng có trách nhiệm:

– Chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Nghị định này.

– Không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.

– Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.

– Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.

– Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.

– Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

5. Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu; Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng

Căn cứ Điều 15 Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng được quy định như sau:

Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng miếng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực khai thác vàng có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác ở nước ngoài và doanh nghiệp có Giấy phép khai thác vàng có nhu cầu xuất khẩu vàng nguyên liệu do doanh nghiệp khai thác nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 (một) bộ hồ sơ quy định tại Điều 9, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Thông tư này đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối) để được cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Căn cứ các quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư này, Vụ Quản lý Ngoại hối trình Thống đốc xem xét, quyết định việc cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

Căn cứ mục tiêu chính sách tiền tệ, cung – cầu vàng trong từng thời kỳ và các quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư này, Vụ Quản lý Ngoại hối trình Thống đốc xem xét, quyết định cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc từ chối cấp (ghi rõ lý do) Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; Giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu hoặc Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu (theo mẫu tại Phụ lục 13, 14 hoặc 15 Thông tư này). Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng là bộ phận không tách rời của Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng.

Lưu ý:

Đối với trường hợp cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận đủ hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo để Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn kiểm tra về giấy tờ; pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh đối với doanh nghiệp và tình hình trang thiết bị cần thiết để triển khai hoạt động mua, bán vàng miếng tại địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng. Trong thời hạn 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố báo cáo kết quả kiểm tra cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý ngoại hối). Khoản 13 Điều 1 Thông tư 38/2015/TT-NHNN.

6. Xử phạt vi phạm hành chính

Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng đối với hành vi: Kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng (điểm a khoản 8 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số vàng (điểm a khoản 9 Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP)

Kết luận: Đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho doanh nghiệp/cho tổ chức tín dụng được quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 38/2015/TT-NHNN.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng cho doanh nghiệp/cho tổ chức tín dụng

Liên quan