GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP TRONG TRƯỜNG HỢP BỊ THU HỒI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP HOẶC THEO QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án. Việc giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án được Dữ Liệu Pháp Lý tổng hợp dựa trên các căn cứ pháp lý sau: Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Nghị định 35/2020/NĐ-CP, Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT, Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT, Thông tư 47/2019/TT-BTC.

1. Khái niệm

Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh. (khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014)

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là văn bản hoặc bản điện tử mà Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho doanh nghiệp ghi lại những thông tin về đăng ký doanh nghiệp. (khoản 12 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014)

2. Giải thể doanh nghiệp

2.1. Các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp quy định tại Điều 211 Luật Doanh nghiệp 2014:

– Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo;

– Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo khoản 2 Điều 18 của Luật này thành lập;

– Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế;

– Doanh nghiệp không gửi báo cáo theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 209 của Luật này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản;

– Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.

2.2. Các trường hợp giải thể doanh nghiệp

Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp (khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014):

– Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

– Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

– Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

– Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2.3. Điều kiện giải thể doanh nghiệp (khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014)

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 201 Luật Doanh nghiệp cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

2.4. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi giải thể doanh nghiệp

Các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây (khoản 5 Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2014):

– Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;

– Nợ thuế;

– Các khoản nợ khác.

Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần. (khoản 6 Điều 202 Luật Doanh nghiệp 2014):

2.5. Các hoạt động bị cấm kể từ khi có quyết định giải thể

Kể từ khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, nghiêm cấm doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tại khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2014, bao gồm:

– Cất giấu, tẩu tán tài sản;

– Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

– Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;

– Ký kết hợp đồng mới trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;

– Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;

– Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

– Huy động vốn dưới mọi hình thức.

3. Xử lý vi phạm

Căn cứ khoản 2 Điều 36 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Không tiến hành thủ tục giải thể đối với doanh nghiệp thuộc các trường hợp bắt buộc giải thể. Trường hợp này, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là: buộc phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

– Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn quyết định giải thể và biên bản họp tới cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và người lao động. Trường hợp này, biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng là: buộc gửi quyết định giải thể và biên bản họp tới cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và người lao động.

Kết luận: Việc giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật Doanh nghiệp 2014, Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Nghị định 50/2016/NĐ-CP, Nghị định 35/2020/NĐ-CP, Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT, Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT, Thông tư 47/2019/TT-BTC.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Giải thể doanh nghiệp trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án.

Liên quan