HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC ĐẤU THẦU

Theo quy định tại Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật đấu thầu, hiện nay có 4 hình thức xử lý vi phạm trong lĩnh vực đấu thầu, bao gồm:

  1. Cảnh cáo, phạt tiền theo khoản 1 Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP Được quy định cụ thể tại Mục 3 chương II của Nghị định 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư.
  • Các hành vi bị xử lý bao gồm:

+ Vi phạm các quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+ Vi phạm các quy định về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

+ Vi phạm các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

+ Vi phạm quy định về thương thảo hợp đồng đối với lựa chọn nhà thầu và đàm phán sơ bộ hợp đồng đối với lựa chọn nhà đầu tư

+ Vi phạm quy định về đăng tải thông tin trong đấu thầu

  • Mức phạt tiền: Mức phạt phụ thuộc vào hành vi vi phạm có tính chất nặng hay nhẹ, thấp nhất là 500.000 đồng đối với hành vi đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư muộn hơn so với quy định và cao nhất là 40 triệu đồng với hành vi Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu, nhà đầu tư không đúng tiêu chuẩn đánh giá được phê duyệt trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu dẫn đến thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
  1. Cấm tham gia hoạt động đấu thầu: Khoản 2 Điều 121, Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP.
  • Đối tượng bị áp dụng: áp dụng hình thức xử phạt trên đối với tổ chức, cá nhân vi phạm về các hành vi bị cấm trong đấu thầu (Điều 89 Luật Đấu thầu) và vi phạm quy định về sử dụng lao động (Khoản 8 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP).
  • Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị cấm theo quy định của luật đấu thầu và vi phạm quy định về sử dụng lao động sẽ bị cấm tham gia vào hoạt động đấu thầu:

+ Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 năm đến 05 năm đối với một trong các hành vi đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận; cản trở.

+ Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 03 năm đối với một trong các hành vi chuyển nhượng thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn tới tình trạng nợ đọng vốn của nhà thầu.

+ Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 01 năm đối với một trong các hành vi không đảm bảo công bằng; tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin về nhà thầu, nhà đầu tư trái quy định của pháp luật.

+ Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi vi phạm việc sử dụng lao động quy định tại Khoản 8 Điều 12 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP.

  1. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu mà cấu thành tội phạm: Khoản 3 Điều 121 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS)
  • Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; thông thầu; gian lận trong đấu thầu; cản trở hoạt động đấu thầu; vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; chuyển nhượng thầu trái phép do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.
  • Mức độ xử lý vi phạm như:

+ Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (Khoản 1); bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm (Khoản 2);

+ Bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm (Khoản 3);

+ Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4).

Liên quan