PHÊ DUYỆT VIỆC TIẾP NHẬN VIỆN TRỢ QUỐC TẾ KHẨN CẤP ĐỂ CỨU TRỢ

Việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ cần được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể hóa nội dung này dựa trên những quy định của Nghị định 50/2020/NĐ-CP.

1. Khái quát chung

– Viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ là các khoản viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích lợi nhuận của Bên viện trợ để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Phòng chống thiên tai, được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 03 tháng kể từ khi thiên tai xảy ra (khoản 1 Điều 3 Nghị định 50/2020/NĐ-CP).

– Cứu trợ khẩn cấp được quy định như sau (khoản 1 Điều 32 Luật số 33/2013/QH13, điểm a khoản 18 Điều 1 Luật số 60/2020/QH14):

+ Cứu trợ khẩn cấp được thực hiện trong và ngay sau khi thiên tai xảy ra, tập trung vào thực hiện hoạt động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác để ổn định đời sống của người dân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

+ Đối tượng được cứu trợ bao gồm cá nhân bị thương, hộ gia đình có người bị chết; hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, không có lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng và sức khỏe, đặc biệt quan tâm tới đối tượng dễ bị tổn thương;

+ Nguồn lực cho cứu trợ khẩn cấp bao gồm lương thực, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước và môi trường thuộc dự trữ quốc gia; kinh phí dự phòng hằng năm từ ngân sách nhà nước; Quỹ phòng, chống thiên tai và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ từ quốc tế.

– Cơ quan chủ quản là bên tiếp nhận viện trợ – các tổ chức thành lập theo pháp luật Việt Nam; có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của các khoản viện trợ gồm:

+ Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội;

+ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (khoản 3 Điều 3 Nghị định 50/2020/NĐ-CP).

– Chủ khoản viện trợ là các tổ chức được cơ quan chủ quản giao tiếp nhận, quản lý khoản viện trợ (khoản 4 Điều 3 Nghị định 50/2020/NĐ-CP).

* Nguyên tắc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ:

– Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.

– Không tiếp nhận những hàng hóa không được phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật, các khoản viện trợ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước và của Nhân dân.

– Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ phải thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam và cam kết với Bên viện trợ (Điều 4 Nghị định 50/2020/NĐ-CP).

2. Tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ

2.1. Thẩm quyền phê duyệt

– Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc tiếp nhận các khoản viện trợ có nội dung liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo, các khoản viện trợ chưa xác định cơ quan chủ quản, các khoản viện trợ có nội dung nhập khẩu hàng hóa thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật;

Thủ trưởng các cơ quan chủ quản có thẩm quyền phê duyệt việc tiếp nhận các khoản viện trợ không thuộc trường hợp trên (theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 50/2020/NĐ-CP)

2.2. Trình tự phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ

– Cơ quan chủ quản gửi văn bản kèm theo hồ sơ trình phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan thông qua hình thức họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản hoặc các hình thức lấy ý kiến khác và tổng hợp ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tối đa không quá 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ;

– Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ (theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 50/2020/NĐ-CP).

2.3. Trình tự phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ thuộc thẩm quyền của thủ trưởng các cơ quan, tổ chức nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 50/2020/NĐ-CP

– Chủ khoản viện trợ lập hồ sơ tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ và trình cơ quan chủ quản;

– Cơ quan chủ quản chủ trì, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan liên quan thông qua hình thức họp lấy ý kiến hoặc các hình thức khác;

– Cơ quan chủ quản xem xét, phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ;

– Thời gian xem xét, phê duyệt quyết định tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ tối đa không quá 03 ngày kể từ ngày cơ quan chủ quản nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ (khoản 3 Điều 8 Nghị định 50/2020/NĐ-CP).

2.4. Thực hiện tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ

Sau khi việc tiếp nhận viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chủ khoản viện trợ thực hiện các nhiệm vụ sau (khoản 1 Điều 9 Nghị định 50/2020/NĐ-CP):

– Thông báo cho Bên viện trợ về quyết định tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

– Trình cơ quan chủ quản ban hành văn bản thông báo tới các cơ quan liên quan để phối hợp tiếp nhận viện trợ;

– Thông báo cho các cơ quan, địa phương có liên quan về kế hoạch hoạt động đối với viện trợ khẩn cấp để cứu trợ bằng hình thức cung cấp chuyên gia và động vật hỗ trợ đi cùng.

Căn cứ Quyết định về việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ, chủ khoản viện trợ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tiếp nhận và thực hiện viện trợ khẩn cấp để cứu trợ (khoản 2 Điều 9 Nghị định 50/2020/NĐ-CP).

Lưu ý:     

– Đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ bằng hàng hóa: Chủ khoản viện trợ thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa theo quy định của pháp luật;

– Đối với các khoản viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ bằng tiền: Chủ khoản viện trợ mở tài khoản tiếp nhận viện trợ (đối với trường hợp chưa có tài khoản tiếp nhận viện trợ) hoặc thông báo tài khoản với Bên viện trợ (đối với trường hợp đã có tài khoản tiếp nhận viện trợ) để tiếp nhận tiền hỗ trợ. Khoản viện trợ khẩn cấp để cứu trợ bằng ngoại tệ phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được cấp phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được cấp phép theo quy định của pháp luật (khoản 1 điều 9 Nghị định 50/2020/NĐ-CP).

3. Chế độ thông tin, báo cáo

– Chế độ thông tin:

+ Chủ khoản viện trợ thực hiện công khai thông tin về khoản viện trợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chủ khoản viện trợ;

+ Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ, mức hỗ trợ cho các đối tượng trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc niêm yết thông tin tại trụ sở.

– Chế độ báo cáo:

+ Đơn vị sử dụng viện trợ: báo cáo chủ khoản viện trợ về tình hình triển khai tiếp nhận, sử dụng viện trợ trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc thực hiện khoản viện trợ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của chủ khoản viện trợ;

+ Chủ khoản viện trợ: Báo cáo cơ quan chủ quản về tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng khoản viện trợ trong thời gian tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của đơn vị sử dụng viện trợ;

+ Cơ quan chủ quản: Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về nội dung tiếp nhận viện trợ trong thời gian tối đa không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày quyết định tiếp nhận và phân bổ viện trợ được phê duyệt (Điều 27 Nghị định 50/2020/NĐ-CP).

Kết luận: Việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ cần tuân thủ các quy định của Nghị định 50/2020/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Phê duyệt việc tiếp nhận viện trợ quốc tế khẩn cấp để cứu trợ

Liên quan