CẤP/CẤP GIẤY PHÉP SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NHỮNG NỘI DUNG GHI TRONG GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG BÁO ĐIỆN TỬ

Giấy phép hoạt động báo điện tử tùy từng thời điểm, nhu cầu mà nội dung ghi trong đó khác nhau. Vì vậy khi thay đổi nội dung đó thì tổ chức, cá nhân cần được Cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung những nội dung ghi trong Giấy phép hoạt động báo điện tử. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo Luật Báo chíThông tư 48/2016/TT-BTTTTNghị định 159/2013/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Báo chí thì Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.

2. Cấp giấy phép

Những đối tượng được đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử được quy định tại Điều 2 Thông tư 48/2016/TT-BTTTT hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành như sau:

– Các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí:

+ Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.

+Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.

Và có đủ điều kiện theo quy định về cấp phép hoạt động được đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, mở chuyên trang của báo điện tử, xuất bản phụ trương.

– Cơ quan, tổ chức của trung ương; cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được đề nghị cấp giấy phép xuất bản bản tin.

– Cơ quan, tổ chức có nhu cầu xuất bản đặc san; cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế liên chính phủ và các cơ quan khác của nước ngoài được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự ở Việt và cơ quan đại diện của tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nước ngoài khác tại Việt Nam chỉ được phép tiến hành sau khi có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Luật này và phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam được đề nghị cấp giấy phép xuất bản đặc san.

Thẩm quyền cấp giấy phép (Điều 3 Thông tư 48/2016/TT-BTTTT)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo in và báo điện tử; cấp giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

Cục trưởng Cục Báo chí cấp giấy phép xuất bản phụ trương; cấp giấy phép chuyên trang của báo điện tử; cấp giấy phép xuất bản đặc san; cấp giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức của trung ương, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xuất bản bản tin cho các cơ quan, tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư này.

3. Sửa đổi, bổ sung nội dung

Thay đổi nội dung ghi trong giấy phép hoạt động báo chí được quy định tại Điều 20 Luật Báo chí được sửa đổi, bổ sung tại Điều 10 Thông tư 48/2016/TT-BTTTT  như sau:

– Chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày thay đổi địa Điểm trụ sở chính, điện thoại, fax, thư điện tử, thời gian phát hành, đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối Internet, cơ quan báo chí phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

– Khi thay đổi tên gọi cơ quan chủ quản báo chí, tên gọi cơ quan báo chí; tôn chỉ, Mục đích; tên gọi ấn phẩm báo chí, phụ trương, chuyên trang của báo điện tử, kênh phát thanh, kênh truyền hình; địa Điểm phát sóng, địa Điểm trụ sở gắn với trung tâm tổng khống chế; phương thức truyền dẫn, phát sóng; thời lượng kênh phát thanh, kênh truyền hình; tên miền của chuyên trang và báo điện tử, cơ quan chủ quản phải có hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sửa đổi, bổ sung giấy phép.

Lưu ý: Hồ sơ, thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động báo chí do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

– Khi thay đổi hình thức trình bày, vị trí của tên ấn phẩm báo chí, phụ trương; biểu tượng kênh phát thanh, kênh truyền hình; kỳ hạn xuất bản, số trang, khuôn khổ, cơ quan chủ quản báo chí có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thay đổi chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Xử phạt hành chính

Tại Điều 12 Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về trình bày sản phẩm báo chí cụ thể như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi Thay đổi giao diện trang chủ đối với báo điện tử khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 5 Nghị định 159/2013/NĐ-CP phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử không có giấy phép hoạt động báo chí theo quy định.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Cấp/Cấp giấy phép sửa đổi, bổ sung những nội dung ghi trong Giấy phép hoạt động báo điện tử thì các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Báo chíThông tư 48/2016/TT-BTTTTNghị định 159/2013/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp Giấy phép hoạt động báo điện tử

Cấp sửa đổi, bổ sung những nội dung ghi trong Giấy phép hoạt động báo điện tử

Liên quan