CẤP, CẤP LẠI CHỨNG CHỈ NHÂN VIÊN BỨC XẠ

Trong quá trình hoạt động, muốn trở thành nhân viên bức xạ cần phải được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ, bên cạnh đó còn xảy ra những trường hợp bị mất, vậy việc tiến hành cấp, cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ cần được thực hiện như thế nào? Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi, bổ sung 2018)Thông tư 08/2010/TT-BKHCN (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 25/2014/TT-BKHCN).

1. Một số khái niệm cơ bản

Bức xạ là chùm hạt hoặc sóng điện từ có khả năng ion hóa vật chất. Theo Khoản 3 Điều 3 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi, bổ sung 2018).

2. Các cá nhân cần phải có chứng chỉ nhân viên bức xạ

Căn cứ theo Điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử 2008, người đảm nhiệm một trong các công việc sau đây phải có chứng chỉ nhân viên bức xạ:

– Kỹ sư trưởng lò phản ứng hạt nhân;

– Trưởng ca vận hành lò phản ứng hạt nhân;

– Người phụ trách an toàn;

– Người phụ trách tẩy xạ;

– Người phụ trách ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;

– Người quản lý nhiên liệu hạt nhân;

– Nhân viên vận hành lò phản ứng hạt nhân;

– Nhân viên vận hành máy gia tốc;

– Nhân viên vận hành thiết bị chiếu xạ sử dụng nguồn phóng xạ;

– Nhân viên sản xuất đồng vị phóng xạ;

– Nhân viên chụp ảnh phóng xạ công nghiệp.

3. Điều kiện cấp giấy phép, cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ

Điều kiện để cá nhân được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ bao gồm (khoản 2 điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 và Điều 7 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN):

– Nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Thông tư này;

– Nộp lệ phí cấp chứng chỉ theo quy định của pháp luật;

– Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

– Có trình độ chuyên môn và kiến thức về an toàn phù hợp.

Lưu ý:

– Chứng chỉ nhân viên bức xạ có thời hạn 05 năm (khoản 5 Điều 25 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN).

– Người được cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ phải thường xuyên cập nhật kiến thức liên quan. Theo khoản 3 điều 28 Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi, bổ sung 2018).

4. Cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ

Theo Điều 29 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN việc cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ được quy định như sau:

– Nhân viên bức xạ phải làm thủ tục cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ khi chứng chỉ hết hạn hoặc bị rách, nát, mất.

– Hồ sơ đề nghị, thủ tục cấp lại và thời hạn của chứng chỉ nhân viên bức xạ trong trường hợp cấp lại thực hiện như đối với cấp mới.

5. Thẩm quyền cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ

Theo Điều 23 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN có quy định như sau:

Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho cá nhân sau: Chứng chỉ nhân viên bức xạ cho kỹ sư trưởng lò phản ứng hạt nhân, trưởng ca vận hành lò phản ứng hạt nhân, người quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhân viên vận hành lò phản ứng hạt nhân.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X-quang chẩn đoán y tế hoạt động trên địa bàn tỉnh.

– Trường hợp thiết bị X-quang chẩn đoán y tế của tổ chức, cá nhân có trụ sở chính ở tỉnh A nhưng được lắp đặt, sử dụng tại tỉnh B thì Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh B cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn.

– Trường hợp thiết bị X-quang chẩn đoán y tế di động được sử dụng tại các tỉnh khác nhau thì Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh nơi tổ chức, cá nhân sở hữu thiết bị X-quang đặt trụ sở chính cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn.

Đối với các trường hợp còn lại sẽ do Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ

Lưu ý: 

– Trường hợp cơ sở y tế tiến hành nhiều công việc bức xạ, trong đó có sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế đồng thời sử dụng chất phóng xạ (y học hạt nhân) hoặc vận hành thiết bị chiếu xạ (xạ trị) thì có thể đề nghị Cục An toàn bức xạ và hạt nhân hoặc Sở Khoa học và Công nghệ địa phương cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn (khoản 4 Điều 23 Thông tư 08/2010/TT-BKHCN).

6. Xử lí vi phạm hành chính

6.1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi bố trí người không có chứng chỉ nhân viên bức xạ đảm nhiệm một trong nhưng công việc sau đây:

– Phụ trách an toàn;

– Phụ trách tẩy xạ;

– Vận hành máy gia tốc;

– Vận hành thiết bị chiếu xạ;

– Sản xuất đồng vị phóng xạ;

– Chụp ảnh phóng xạ công nghiệp.

6.2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức có hành vi bố trí người không có chứng chỉ nhân viên bức xạ đảm nhiệm một trong những công việc sau đây:

– Kỹ sư trưởng lò phản ứng hạt nhân;

– Trưởng ca vận hành lò phản ứng hạt nhân;

– Phụ trách ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân;

– Quản lý nhiên liệu hạt nhân;

– Vận hành lò phản ứng hạt nhân.

Kết luận: Khi tiến hành việc hành thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ cần phải nộp tại cơ quan có thẩm quyền như người viết đã nêu ở trên. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu quy định tại Luật Năng lượng nguyên tử 2008 (sửa đổi, bổ sung 2018)Thông tư 08/2010/TT-BKHCN (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 25/2014/TT-BKHCN).

Chi tiết trình tư, hồ sơ, mẫu đơn thực hiện xem tại đây:

Cấp chứng chỉ nhân viên bức xạ

Cấp lại chứng chỉ nhân viên bức xạ

Liên quan