CÔNG NHẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ DO TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TỰ ĐẦU TƯ NGHIÊN CỨU

Trong quá trình hoạt động, tổ chức, cá nhân sẽ phát sinh việc công nhận kết quả nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu, khi đó tổ chức cá nhân có nhu cầu phải tiến hành đề nghị công nhận. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung đó theo Luật Khoa học và công nghệ 2013Luật Chuyển giao công nghệ 2017, Nghị định 76/2018/NĐ-CP và Nghị định 51/2019/NĐ-CP.

1. Khái niệm

Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy (khoản 1 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ 2013).

Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn (khoản 4 Điều 3 Luật khoa học và công nghệ năm 2013).

Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm (khoản 2 Điều 2 Luật chuyển giao công nghệ năm 2017).

2. Điều kiện công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu

Theo khoản 4 Điều 18 Nghị định 76/2018/NĐ-CP thì kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu được cơ quan có thẩm quyền công nhận khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Tuân thủ các quy định pháp luật về quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

– Làm rõ nội dung, phương pháp thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao, ứng dụng; đặc tính, hiệu quả về kỹ thuật của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực cụ thể;

– Làm rõ phạm vi, quy mô ứng dụng, chuyển giao; giá trị kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh trong điều kiện cụ thể của đất nước, địa phương.

3. Một số lưu ý khi công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu

Theo điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định 76/2018/NĐ-CP thì tổ chức cá nhân phải có tài liệu chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Trường hợp không có tài liệu chứng minh thì phải có văn bản cam kết.

Theo khoản 2 Điều 18 Nghị định 76/2018/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền công nhận là bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được chuyển giao, ứng dụng.

Theo khoản 5 Điều 18 Nghị định 76/2018/NĐ-CP thì tổ chức cá nhân cần lưu ý các trường hợp bị thu hồi văn bản công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như sau:

– Phát hiện thông tin không trung thực, tài liệu giả mạo trong hồ sơ hoặc có vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;

– Có vi phạm trong quá trình xem xét, công nhận.

4. Xử phạt vi phạm hành chính

Vi phạm chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ: Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 51/2019/NĐ-CP: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi gian lận, lừa dối trong việc lập hồ sơ đề nghị công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước

Kết luận: Để được công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ đề nghị công nhận đến Bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, đồng thời đáp ứng đầy đủ điều kiện, trình tự thủ tục tại Điều 18 Nghị định 76/2018/NĐ-CP và Quyết định 1573/QĐ-BKHCN 2018.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Công nhận kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu

Liên quan