“LÊN ĐỜI” CHO HUYỆN TẠI TP.HCM: PHẢI CÂN NHẮC THÂN TRỌNG!

Các chuyên gia đặc biệt lưu ý đến sự hài hòa của một TP khi vừa có đô thị vừa có nông thôn.

TP.HCM gỡ “nút thắt” nào để 5 huyện lên quận?  
Trên các số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã đăng loạt bài “TP.HCM gỡ “nút thắt” nào để 5 huyện lên quận?”. thông tin này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều chuyên gia đã có những góp ý sau loạt bài. Chúng tôi xin tổng hợp lại các góp ý này với mong muốn cung cấp thêm những góc nhìn để TP cân nhắc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện đề án.

Lên quận: Lợi thì có lợi…

Theo một vị nguyên lãnh đạo UBND quận Thủ Đức (cũ), thông thường lên quận thì sẽ được đầu tư nhiều hơn, bộ máy nhân sự cũng nhiều hơn và chi phí vận hành, trả lương cho bộ máy cũng nhiều hơn. Vị này phân tích: Để đủ điều kiện lên quận, các huyện sẽ tập trung đầu tư để đạt các tiêu chí về giao thông, môi trường, nước sạch, trường học, cơ sở khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính… Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân sẽ được thụ hưởng từ những gì Nhà nước đầu tư. Vì vậy chất lượng cuộc sống của người dân cũng sẽ được nâng lên.
Ông Trần Ngọc Hổ, nguyên Chủ tịch UBND quận 12 – là một trong những lãnh đạo quận 12 thời kỳ mới thành lập quận vào năm 1997 (ông Hổ giữ chức chủ tịch quận năm 2003-2014 – PV), khẳng định: “Lên quận rõ ràng thấy nguồn lực đầu tư thay đổi rõ rệt. Quy hoạch cũng đồng bộ hơn, tạo điều kiện cho người dân sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả hơn, điều kiện học hành, khám chữa bệnh của người dân cũng được nâng lên”.

Chia sẻ thêm về điều này, một lãnh đạo quận Bình Tân thời kỳ đầu mới tách quận từ huyện Bình Chánh cho biết việc thành lập quận Bình Tân thời điểm đó là một bước đi đúng đắn. Vị này cho biết: Chỉ sau năm năm lên quận, nơi đây đã có hàng ngàn tuyến hẻm được mở rộng, chỉnh trang. Mọi mặt đời sống của người dân đều được nâng lên. Cụ thể năm 2018, báo cáo kết quả 15 năm xây dựng và phát triển, tổng giá trị sản xuất 15 năm đạt gần 470.000 tỉ đồng, gấp 34 lần so với thời điểm mới thành lập quận. Trong đó, riêng lĩnh vực dịch vụ, thương mại tổng giá trị sản xuất gần 200.000 tỉ đồng, tăng 77,7 lần.

Thu ngân sách nhà nước và ngân sách địa phương 2003-2018 tăng bình quân mỗi năm hơn 18%. Đến năm 2008, quận gia nhập câu lạc bộ 1.000 tỉ đồng của TP và liên tục bảy năm (2008-2014) thu ngân sách nhà nước đạt trên 1.000 tỉ đồng/năm. Từ 2015-2018 thì đạt trên 2.000 tỉ đồng/năm. Cũng trong thời gian ấy, quận Bình Tân cũng đã chỉnh trang được gần 3.500 tuyến hẻm, 344 tuyến đường, xây 66 trường học, hoàn thành mạng lưới y tế với phòng/trung tâm y tế quận, một bệnh viện quận và bốn bệnh viện tư nhân với tổng số gần 1.700 giường bệnh…

Nhưng cần đánh giá, cân nhắc rất thận trọng 

Ở một góc nhìn khác, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc chuyển đổi từ huyện lên quận nên để “hữu xạ tự nhiên hương”, không nên ép phải lên cho bằng được. “Có nghĩa là huyện nào đủ tiêu chí thì vẫn cứ lên quận hoặc TP. Còn nếu chưa đủ điều kiện thì các huyện vẫn tiếp tục phấn đấu để đạt các chỉ tiêu, không nên phải “chín ép” bằng cách bỏ ngân sách đầu tư cho đạt được các chỉ tiêu lên quận” – ông Sơn nhìn nhận.
Ông Sơn phân tích thêm, TP đang cần hàng chục tỉ đến hàng trăm tỉ USD để tập trung đầu tư cho TP Thủ Đức. Đây là nguồn lực tài chính rất lớn, trong khi muốn các huyện đủ tiêu chí lên quận, TP cũng phải bỏ tiền để đầu tư hạ tầng. Do vậy, cùng một lúc thực hiện các đề án này sẽ làm cho ngân sách TP bị phân tán. “Thay vì tiếp tục dàn trải nguồn lực thì TP tập trung đầu tư cho TP Thủ Đức, sau đó lấy chính nguồn lực thu từ TP Thủ Đức để đầu tư lại cho các huyện thì tốt hơn” – ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng khuyến cáo trong quá trình nâng cấp đơn vị hành chính, TP cần chú trọng đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy, TP cần ưu tiên phát triển đô thị về phía những vùng đất cao. Vùng đất thấp như Cần Giờ, Nhà Bè không nên khuyến khích tăng dân số mà tập trung phát triển ngành kinh tế không cần đông dân như phát triển công nghệ cao, cơ giới hóa hoặc làm du lịch…
Riêng huyện Cần Giờ, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP cần phải rất thận trọng bởi Cần Giờ là khu vực có nguy cơ cao về biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hơn nữa, giữa Cần Giờ và khu nội thành có rừng sinh quyển là lá phổi xanh của TP. “Đó là vùng đệm sinh quyển cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu tăng dân số lên, nó nằm giữa hai vùng phát triển đông dân thì chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng rất lớn” – ông Sơn nhận xét.
Theo ông Sơn, quan niệm một TP lớn như TP.HCM chỉ có quận mà không có huyện là không đúng. Một TP chỉ có quận thôi mà không có huyện chưa chắc đã tốt, bởi huyện còn nhiều không gian xanh, mật độ xây dựng thấp, cũng giống như thêm một lá phổi xanh cho TP. Ngay cả các đô thị lớn trên thế giới như London (Anh) vẫn có những vùng thôn quê thuộc London chứ không bị đô thị hóa hết.
Trong một TP vừa có đô thị vừa có nông thôn sẽ tạo ra sự phát triển cân bằng. Một đô thị được xem là hoàn chỉnh thì vừa phải có khu mật độ cao, khu mật độ thấp, có vùng nông thôn, vùng đô thị, có chỗ đô thị hóa thì cũng phải có chỗ nhiều không gian xanh, không gian mặt nước thì mới cân bằng” – ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, chính một TP vừa có quận vừa có huyện lại là một thế mạnh của TP.HCM. Vì vậy, nếu không lên quận thì cứ để là huyện và tập trung phát triển thế mạnh của huyện đó. Với nhiều không gian xanh, không gian mặt nước và quỹ đất trống nhiều hơn thì phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp thực phẩm sạch cho chính người dân TP hơn 10 triệu dân cũng là cách làm phù hợp.

Theo Plo.vn

Liên quan