CẤP/CẤP LẠI VĂN BẢN XÁC NHẬN THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG BƯU CHÍNH

Hoạt động bưu chính rất đa dạng vì vậy bất cứ một thông báo nào cũng cần phải được xác nhận, cũng như khi có thay đổi hoạt động để dễ dàng quản lý. Vì vậy thủ tục cấp, cấp lại văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính rất quan trọng. Sau đây, Dữ Liệu Pháp Lý sẽ cụ thể nội dung này theo  Luật Bưu chính 2010Nghị định 15/2020/NĐ-CPNghị định 47/2011/NĐ-CP

1. Một số khái niệm cơ bản

Hoạt động bưu chính gồm các hoạt động đầu tư, kinh doanh, cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính, dịch vụ bưu chính công ích, tem bưu chính (khoản 1 Điều 3 Luật Bưu chính 2010)

Bưu gửi bao gồm thư, gói, kiện hàng hoá được chấp nhận, vận chuyển và phát hợp pháp qua mạng bưu chính (khoản 2 Điều 3 Luật Bưu chính 2010)

Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử (khoản 3 Điều 3 Luật Bưu chính 2010)

2. Các hoạt động phải được thông báo bằng văn bản

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Bưu chính 2010 quy định về các hoạt động bưu chính phải được thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính như sau:

– Cung ứng dịch vụ thư không có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam.

– Cung ứng dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 02 kilôgam.

– Cung ứng dịch vụ gói, kiện.

– Làm đại lý cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài.

– Nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam.

– Làm đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài.

– Làm chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

– Làm văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài.

Lưu ý:

Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 47/2011/NĐ-CP thì Doanh nghiệp, tổ chức được cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính có trách nhiệm như sau:

– Hoạt động bưu chính theo đúng nội dung quy định trong giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

– Không sửa chữa, tẩy xóa nội dung ghi trong giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

– Không mua bán, chuyển nhượng, trừ trường hợp gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ doanh nghiệp do mua bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp.

– Không cho mượn, cho thuê, cầm cố.

– Nộp trả văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính cho cơ quan có thẩm quyền về bưu chính khi có quyết định thu hồi.

3. Cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 47/2011/NĐ-CP thì văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được quy định như sau:

– Doanh nghiệp, tổ chức đề nghị cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu chính đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ.

Việc thông báo hoạt động bưu chính tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được thực hiện chậm nhất là 07 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên hoạt động bưu chính.

Lưu ý:

Trường hợp từ chối cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Cấp lại văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định 47/2011/NĐ-CP thì cấp lại văn bản xác nhận thông báo bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được quy định như sau:

– Trường hợp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính bị mất hoặc hư hỏng không sử dụng được và doanh nghiệp, tổ chức muốn được cấp lại thì doanh nghiệp, tổ chức phải gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

– Văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính được cấp lại là bản sao từ bản gốc được quản lý tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp giấy phép bưu chính, văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

5. Thẩm quyền giải quyết

Tổ chức, cá nhân muốn cấp, cấp lại văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính, thì nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền, cụ thể theo quy định tại Điều 9 Nghị định 47/2011/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết như sau:

– Sở Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính sau trong phạm vi nội tỉnh:

+ Cung ứng dịch vụ thư không có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam.

+ Cung ứng dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 02 kilôgam.

+ Cung ứng dịch vụ gói, kiện.

Và trường hợp làm chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được thành lập theo pháp luật Việt Nam

– Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính đối với trường hợp cung ứng dịch vụ bưu chính  sau trong phạm vi liên tỉnh:

+ Cung ứng dịch vụ thư không có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 02 kilôgam.

+ Cung ứng dịch vụ thư có khối lượng đơn chiếc trên 02 kilôgam.

+ Cung ứng dịch vụ gói, kiện.

Và các trường hợp sau:

+ Nhận nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực bưu chính từ nước ngoài vào Việt Nam;

+ Làm đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài;

+ Làm văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài.

6. Xử phạt hành chính

Tại Điều 6 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt hành vi vi phạm các quy định về thông báo hoạt động bưu chính, cụ thể như sau:

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo không đúng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi liên quan đến văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo hoạt động bưu chính tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày đầu tiên hoạt động bưu chính.

– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Tẩy xóa, sửa chữa văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính;

+ Làm chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được thành lập theo pháp luật Việt Nam mà không có văn bản xác nhận thông báo hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính;

+ Không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bưu chính khi có thay đổi liên quan đến văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

Kết luận: Khi tiến hành thủ tục Cấp/cấp lại văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính thì các tổ chức, cá nhân cần lưu ý các quy định tại Luật Bưu chính 2010Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định 47/2011/NĐ-CP.

Chi tiết trình tự, hồ sơ, biểu mẫu, thực hiện tại đây:

Cấp/cấp lại văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính

Liên quan